Bệnh Nhịp Tim Chậm

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Nhịp tim chậm là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp. Chứng bệnh này có thể xảy ra với bất kỳ ai, từ trẻ em cho đến người lớn, do ảnh hưởng từ yếu tố di truyền bẩm sinh, tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh lý khác gây tổn thương mô tim như bệnh tim mạch, bệnh hệ thống... Nhịp tim quá thấp không được xử lý cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến các hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. 

Tổng quan

Nhịp tim chậm (Bradycardia) là tình trạng tim đập chậm hơn so với nhịp bình thường. Thông thường, ở một người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim dao động trung bình từ 60 - 100 lần/ phút. Những trường hợp nhịp tim chỉ đập mức 60 lần/ phút được chẩn đoán là nhịp tim chậm.

Nhịp tim chậm là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp ở bất kỳ đối tượng nào

Nguyên nhân khiến nhịp tim chậm đi thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân gồm bệnh lý hoặc sinh lý. Nhưng phổ biến nhất là tình trạng rối loạn xung điện khiến hoạt động bơm máu của tim bị suy giảm.

Đây là bệnh lý tim mạch khá nghiêm trọng, nhất là khi nhịp tim quá thấp khiến não bộ và nhiều cơ quan khác không đủ oxy, phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp nhịp tim chậm do cơ địa sinh lý, không có biểu hiện rõ rệt và cũng không gây biến chứng nào. Đặc biệt, tình trạng nhịp tim chậm thường xuất hiện ở những người là vận động viên thể dục thể thao, phải tập luyện thường xuyên. Theo nghiên cứu, tim của nhóm đối tượng này chỉ cần co bóp với số nhịp ít cũng đã đủ để bơm máu đi nuôi cơ thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trong bài viết này, loại trừ nhóm nguyên nhân sinh lý, cơ địa, thì có nhiều nguyên nhân bệnh lý gây ra chứng nhịp tim chậm như:

Nhịp tim chậm xuất phát do tổn thương mô tim có liên quan đến lão hóa, bệnh tim, nhiễm trùng, bẩm sinh...

  • Lão hóa: Sự lão hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng ở người lớn tuổi, khiến cấu trúc cơ tim bị thay đổi, tổn thương và dẫn đến rối loạn chức năng, gây ảnh hưởng đến tính dẫn truyền của tim, phát sinh rối loạn nhịp tim, điển hình là nhịp tim chậm;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý:
    • Bệnh nhồi máu cơ tim gây tổn thương các mô tim;
    • Tắc nghẽn dẫn truyền tim (chứng Block nhĩ thất - Block AV) gây rối loạn nhịp tim do tín hiệu điện truyền qua tâm nhĩ không thể đến được tâm thất;
    • Các bệnh gây tác động tổn thương đến hệ thống điện trong tim như: bệnh mạch vành, một số bệnh lý nhiễm trùng như viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc...;
    • Các yếu tố gây ức chế xung điện tim như suy tuyến giáp, suy nút xoang, rối loạn làm mất cân bằng các chất điện giải do tăng nồng độ kali, canxi trong máu;
    • Một số bệnh lý khác như bệnh hệ thống lupus ban đỏ, suy giáp, sốt thấp khớp, hội chứng ngưng thở khi ngủ...;
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc gây nhịp tim chậm như thuốc chống loạn nhịp, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn canxi, thuốc Digoxin điều trị bệnh tim hoặc chứng cao huyết áp...;
  • Các yếu tố nguy cơ khác:
    • Dị tật bẩm sinh;
    • Biến chứng sau ca phẫu thuật tim;
    • Nghiện hút thuốc lá;
    • Lạm dụng các chất kích thích;
    • Stress, căng thẳng quá mức;
    • Tuổi tác cao;
    • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Đa phần những trường hợp mắc chứng nhịp tim chậm trong giai đoạn đầu với mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc rất ít triệu chứng nên rất khó phát hiện. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, nhịp tim giảm xuống mức quá thấp, thường là < 45 nhịp/ phút sẽ bắt đầu phát sinh những triệu chứng rõ rệt hơn.

Nhịp tim giảm quá thấp khiến não bộ thiếu oxy gây đau tức ngực, khó thở, hoa mắt và ngất xỉu

Có thể kể đến một số triệu chứng sau:

  • Đau tức ngực, hiện tượng đánh trống ngực;
  • Khó thở, thở ngắn, hụt hơi;
  • Mệt mỏi, nhanh mệt khi tham gia các hoạt động thể chất;
  • Hoa mắt, chóng mặt, cảm giác lâng lâng toàn thân;
  • Tụt huyết áp, có dấu hiệu sắp ngất hoặc ngất xỉu;
  • Suy giảm trí nhớ và có xu hướng mất trí trong giai đoạn nặng;

Trong những trường hợp nhịp tim chậm gây các biểu hiện nghiêm trọng như đau tức ngực, khó thở kéo dài vài phút không thuyên giảm, ngất xỉu... cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế để được tiến hành cấp cứu khẩn cấp.

Chẩn đoán 

Bên cạnh thu thập và đánh giá các triệu chứng lâm sàng do người bệnh cung cấp, bác sĩ cũng sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh lý và chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra cấu trúc, hình thái và chức năng tim.

Việc chẩn đoán nhịp tim chậm thường phức tạp hơn so với các bệnh lý khác vì phải có đầy đủ cơ sở dữ liệu mới có thể đưa ra kết luận chính xác nhất. Bao gồm các xét nghiệm chẩn đoán sau:

Điện tâm đồ kết hợp các bài test kiểm tra chức năng tim được xem là tiêu chuẩn kép có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán nhịp tim chậm

  • Điện tâm đồ (ECG): Kết quả điện tâm đồ được xem là tiêu chuẩn đánh giá chẩn đoán nhịp tim chậm chính xác. Được thực hiện bằng cách gắn các điện cực trên ngực, cánh tay để tiến hành đo và ghi lại các thông số tín hiệu đi qua tim. Một số trường hợp sẽ được chỉ định sử dụng các thiết bị đo ECG tại nhà để theo dõi sát sao sự thay của nhịp tim như:
    • Máy Holter cầm tay giúp ghi lại hoạt động ở tim trong suốt 24 tiếng đeo máy;
    • Máy ghi nhận biến cố giúp giám sát các hoạt động của tim liên tục trong vòng vài tuần;
  • Các bài test kiểm tra tim: Kết hợp song song với đo điện tâm đồ để đánh giá chức năng hoạt động của tim. Gồm:
    • Test kiểm tra gắng sức nhằm theo dõi nhịp tim trong khi bệnh nhân đang đi bộ, đạp xe hoặc chạy bộ ngắn;
    • Test kiểm tra bàn nghiêng giúp chẩn đoán xem có dấu hiệu ngất hay bị ngất khi đang trong tư thế nằm nghiêng hay không;
  • Các xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm hỗ trợ khác cũng được cân nhắc chỉ định nhằm loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác:
    • Xét nghiệm máu kiểm tra các yếu tố nguy cơ như nhiễm trùng, suy giáp hoặc tình trạng mất cân bằng các chất điện giải gây chứngnhịp tim chậm;
    • Test đánh giá giấc ngủ, chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ gây nhịp tim chậm;

Biến chứng và tiên lượng

So với tim đập nhanh, nhịp tim chậm cũng là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tim không bơm đủ máu đi khắp cơ thể để nuôi dưỡng các cơ quan sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe. Chẳng hạn như:

Nhịp tim chậm phát hiện trong giai đoạn muộn có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây đột tử

  • Ngất xỉu liên tục do các tế bào não không đủ oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động;
  • Biến chứng suy tim xảy ra do nhịp tim đập chậm trong thời gian dài gây tổn thương các mô tim;
  • Hậu quả nghiêm trọng nhất của chứng nhịp tim chậm là tình trạng ngưng tim đột ngột, dẫn đến đột tử;

Tiên lượng điều trị chứng bệnh nhịp tim chậm tương đối tốt nếu bệnh được phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp. Tùy theo mức độ tổn thương cơ tim và nguyên nhân gây bệnh mà tiên lượng chữa trị khỏi bệnh ở từng người là khác nhau. Tốt nhất bệnh nhân nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn chi tiết về phác đồ điều trị, phòng ngừa biến chứng.

Điều trị

Bệnh nhịp tim chậm có thể điều trị và kiểm soát được nếu được phát hiện, điều trị sớm. Tùy theo mức độ và nguyên nhân gây cản trở quá trình truyền dẫn tín hiệu đến tim mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Mục tiêu điều trị nhịp tim chậm là làm tăng nhịp tim để thúc đẩy hoạt động bơm máu từ tim đi nuôi cơ thể. Đồng thời, kiểm soát các triệu chứng liên quan và phòng ngừa biến chứng khó lường, nhất là bảo toàn tính mạng trong các đợt bùng phát.

1. Điều trị bằng thuốc 

Những trường hợp nhịp tim chậm xảy ra bởi các bệnh lý tim mạch, tổn thương tim cần xử lý nguyên nhân gây bệnh. Và dùng thuốc là phương pháp điều trị tốt nhất:

Sử dụng thuốc là biện pháp chính trong điều trị các nguyên nhân gây nhịp tim chậm

  • Bệnh nhân suy nút xoang thường được chỉ định dùng thuốc Isoproterenol hoặc Atropin với liều dùng phù hợp;
  • Bệnh nhân suy giáp có thể được cân nhắc sử dụng liệu pháp hormone thay thế;
  • Người mắc các bệnh lý nhiễm trùng gây nhịp tim chậm sẽ phải dùng phác đồ kháng sinh phù hợp để loại bỏ viêm nhiễm toàn thân;
  • Trường hợp nhịp tim chậm chưa xác định rõ nguyên nhân và triệu chứng, thường sẽ được chỉ định dùng thuốc Theophylline nhằm tăng nhịp tim;

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân nhịp tim chậm do tác dụng phụ của một số loại thuốc sẽ phải ngưng dùng hoặc thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn để nhịp tim tăng nhanh trở lại. Đồng thời, kết hợp điều trị một số các rối loạn tiềm ẩn, điển hình như chứng ngưng thở khi ngủ giúp cải thiện tình trạng nhịp tim chậm.

2. Đặt máy tạo nhịp tim 

Những trường hợp mắc chứng nhịp tim chậm nghiêm trọng, khi phát hiện đã ở giai đoạn nặng và không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa sẽ được cân nhắc cấy đặt máy tạo nhịp tim.

Loại máy này là một thiết bị nhỏ gọn, sau khi được cấy dưới da có tác dụng theo dõi nhịp tim, ghi lại hoạt động tim và tạo ra nguồn xung điện phù hợp để ổn định nhịp tim trong trường hợp nhịp tim xuống quá thấp.

Phòng ngừa

Nhịp tim chậm là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân mệt mỏi, yếu sức, dễ ngất và thậm chí đột tử bất kỳ lúc nào, đe dọa đến tính mạng. Để phòng ngừa chứng bệnh này, mỗi người cần tự chủ động nâng cao ý thức trong việc thăm khám để giảm nguy cơ hình thành, phát triển bệnh tim và duy trì lối sống sinh hoạt khoa học nhằm loại bỏ yếu tố rủi ro khởi phát bệnh.

Duy trì lối sống khoa học trong ăn uống và sinh hoạt là giải pháp duy nhất giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch, trong đó có chứng nhịp tim chậm

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh hàng ngày. Đảm bảo bổ sung đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch như ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc, giảm đường, muối, chất béo dầu mỡ...
  • Vận động tích cực, tập thể dục thể thao mỗi ngày vừa giúp nâng cao sức đề kháng vừa phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhịp tim chậm. Lưu ý tập vừa sức bằng những bộ môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, dưỡng sinh...
  • Duy trì cân nặng phù hợp, phòng tránh thừa cân béo phì quá mức để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  • Nói không với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...
  • Đảm bảo luôn ở trong trạng thái tinh thần thoải mái, tích cực, hạn chế các tác nhân gây stress, căng thẳng quá mức.
  • Thường xuyên tự đo huyết áp tại nhà bằng thiết bị cầm tay để theo dõi và thăm khám sớm nếu phát hiện bất thường.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra sức khỏe tim mạch ít nhất 6 - 12 tháng/ lần để tầm soát bệnh lý, có hướng điều trị phù hợp trong trường hợp có bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi mắc chứng bệnh nhịp tim chậm trong khi không có triệu chứng rõ rệt?

2. Tình trạng nhịp tim chậm có nguy hiểm không? Có đe dọa đến tính mạng không?

3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra nào để chẩn đoán nhịp tim chậm?

4. Tiên lượng tình trạng và mức độ nguy hiểm về chứng nhịp tim chậm đối với sức khỏe của tôi?

5. Bị nhịp tim chậm có chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn được không?

6. Phương pháp điều trị nhịp tim chậm tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Nếu chỉ dùng thuốc có cải thiện được nhịp tim chậm không? Nếu dùng thuốc gây tác dụng phụ tôi cần làm gì để xử lý?

8. Quá trình điều trị nhịp tim chậm mất bao lâu thì khỏi?

9. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ điều trị nhịp tim chậm đạt kết quả tốt nhất?

10. Sau điều trị nhịp tim chậm tôi có được sinh hoạt và vận động mạnh không?

Nhịp tim chậm xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân không thể phòng ngừa được. Do đó, để bảo vệ sức khỏe và bảo tồn chức năng tim mạch dù có bệnh hay không bệnh, mỗi người đều nên tự ý thức trong việc duy trì một lối sống khoa học và lành mạnh, thăm khám định kỳ thường xuyên để sớm phát hiện các bất thường về tim mạch, điều trị kịp thời và ngăn chặn các biến chứng khó lường.

Ngày đăng 09:47 - 04/03/2023 - Cập nhật lúc: 09:48 - 04/03/2023
Chia sẻ:
Hội chứng Brugada
Hội chứng Brugada là một rối loạn di truyền hiếm gặp gây ảnh hưởng đến hệ thống điện tim, gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Bệnh có tính chất gia…
Hội chứng Barth
Hội chứng Barth là một bệnh lý di truyền khá…
Bệnh Phình động mạch chủ bụng
Phình động mạch chủ bụng là một trong những dạng…
Bệnh Suy Tim
Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch…
Bệnh Nhồi Máu Cơ Tim

Nhồi máu cơ tim có liên quan mật thiết đến cơn đau tim xảy ra do tắc nghẽn động mạch…

Bệnh Viêm Màng Ngoài Tim Co Thắt

Viêm màng ngoài tim co thắt là tình trạng viêm nhiễm gây kích thích màng tim dẫn đến các cơn…

Hẹp Van Hai Lá

Hẹp van hai lá là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, có thể xảy ra ở cả…

Bệnh Kawasaki (Viêm mạch máu)

Bệnh Kawasaki là bệnh lý viêm mạch máu không rõ nguyên nhân. Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 -…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua