Bệnh Nấm Da Đầu
Nấm da đầu là bệnh lý nhiễm trùng da đầu do sự tấn công của nấm, xâm nhập vào sâu trong cấu trúc tóc. Các triệu chứng nấm da đầu thường dễ nhầm lẫn với á sừng, vảy nến da đầu, gàu, viêm da dầu... Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không phát hiện sớm và can thiệp điều trị sẽ khiến nhiễm trùng nặng, gây biến chứng rụng tóc, gây hói đầu, ảnh hưởng ngoại hình.
Tổng quan
Nấm da đầu (tên tiếng Anh là Scalp Ringworm/ Tinea Capitis), còn được gọi với nhiều tên khác như viêm nấm da đầu hoặc giun gai. Đây là tình trạng rối loạn chức năng da do nhiễm nấm Dermatophyte tại da đầu. Khoa học ghi nhận, nấm da đầu xảy ra chủ yếu do 2 loại nấm sợi là Microsporum và Trichophyton, ngoài ra còn có nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigeli. Chúng xâm nhập vào cấu trúc tóc, nhất là khi da đầu ẩm ướt, phát triển quá mức và gây viêm nhiễm.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng chủ yếu ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Khác với các bệnh nấm da khác, nấm da đầu lây lan rất nhanh chóng và có tính chất di truyền. Tỷ lệ phát bệnh ở nông thôn nhiều hơn thành thị, trời nóng dễ bệnh hơn mùa đông và có khả năng tái phát cao, rất khó để điều trị dứt điểm hoàn toàn.
Phân loại
Dựa vào loại nấm gây viêm nhiễm da đầu, bệnh được chia làm 2 dạng chính gồm:
- Do nhiễm nấm Trichophyton: Đặc trưng của bệnh là những mảng da đỏ, bong vảy mỏng, nổi các nốt sần nhỏ li ti, nằm rải rác. Bong vảy da khiến tóc rụng theo, rụng thành từng mảng gây hói và kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Loại nấm này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác như mông, bẹn, háng...
- Do nấm Pierdraiahortai và Trichosporon beigeli: Loại nấm này còn được gọi là trứng tóc hoặc bệnh tóc hột. Bệnh đặc trưng bởi những hạt tròn nhỏ li ti, mềm, có màu đen, màu nâu nằm rải rác theo đường chân tóc. Bệnh gây ngứa và không làm rụng tóc. Tình trạng này khiến nhiều người nhầm lẫn với trứng chấy.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nấm da đầu xảy ra do nhiễm các chủng nấm Dermatophyte, chúng phát triển quá mức, tấn công vào sâu trong da đầu, phá hủy cấu trúc tóc và gây tổn thương vùng da đầu. Có nhiều nguyên nhân khiến da đầu bị viêm nhiễm do nấm như:
- Vệ sinh kém: Da đầu là vùng da ít được che chắn nên rất dễ tích tụ bụi bẩn. Đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, vận động mạnh tiết nhiều mồ hôi. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, gội đầu qua loa, không kỹ càng khiến bụi bẩn và tế bào chết tích tụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây nấm da đầu.
- Thói quen có hại cho da đầu: Người có thói quen gội đầu nhưng không làm khô, để tóc ướt, ẩm đi ngủ hoặc để da đầu thật bẩn, tóc bết mới gội cũng tạo môi trường cho nấm phát triển và gây viêm nhiễm.
- Lây nhiễm nấm do dùng chung đồ dùng cá nhân: Thói quen dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, khăn lau tóc, gối nằm, lược chải đầu, nón mũ... của người bệnh khiến bạn có nguy cơ bị lây nhiễm nấm và phát bệnh.
- Nhiễm nấm từ các nguồn khác:
- Từ động vật hoặc các vật nuôi như chó, mèo, gà, vịt... và không vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc với chúng;
- Sử dụng nguồn nước bẩn chứa nấm, vi khuẩn, virus... để gội đầu;
- Từ nhà tắm, phòng vệ sinh, phòng thay đồ... do tồn tại các bào tử nấm;
Triệu chứng và chẩn đoán
Các triệu chứng của nấm da đầu diễn tiến qua nhiều giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn 1: Là giai đoạn bệnh vừa khởi phát, sự xuất hiện của nấm kích thích da đầu tăng tiết bã nhờn. Kết hợp với tế bào chết trên da đầu hình thành từng mảng gàu lớn nhỏ. Thường trong giai đoạn này nhiều người không nghĩ là bệnh nấm da đầu.
- Giai đoạn 2: Da đầu ngứa ngáy gây cảm giác khó chịu, bứt rứt, kể cả đã gội đầu sạch sẽ. Kèm theo nổi mụn đỏ li ti ở da đầu, chân tóc.
- Giai đoạn 3: Đây cũng là giai đoạn nặng của nấm da đầu, thường là sau 1 tháng phát bệnh. Lúc này, ngoài những triệu chứng ngứa ngáy, nổi mụn nước, người bệnh sẽ rụng tóc số lượng lớn, nhất là khi chải tóc hoặc gội đầu. Tóc rụng để lộ từng mảng da đầu bị tổn thương, màu đỏ hoặc nâu đen, trắng, kèm theo viêm nhiễm lan rộng, nổi mụn mủ (kerion), phồng rộp, không thẩm mỹ.
Ngoài ra, một số trường hợp nấm da đầu còn kèm theo một số triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt cao do sưng hạch, cảm giác ngứa rát khó chịu...
Chẩn đoán nấm da đầu được thực hiện chủ yếu dựa trên quan sát và đánh giá các triệu chứng lâm sàng. Sự xuất hiện của nó nhìn khá giống với khối áp xe ở giai đoạn nặng. Đồng thời, kết hợp các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại khác như:
- Sinh thiết da;
- Soi da dưới kính hiển vi;
- Nuôi cấy nấm xác định loại nấm gây bệnh;
- Soi da dưới đèn Wood;
Biến chứng và tiên lượng
Nấm da đầu là bệnh lý da liễu không nguy hiểm đến tính mạng, có thể điều trị được khi áp dụng đúng phương pháp. Tuy nhiên, bệnh lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ, vẻ bề ngoài của người bệnh và cả sức khỏe thể chất, tinh thần khi phải đối mặt với các hệ lụy của bệnh.
Do đó, để phòng tránh các biến chứng viêm nhiễm, rụng tóc, hói vĩnh viễn, bạn cần chủ động thăm khám để việc điều trị diễn ra càng sớm càng tốt, đem lại hiệu quả cao hơn và ít tốn công sức, tiền bạc. Theo các chuyên gia, bệnh nấm da đầu không thể tự khỏi, thậm chí không thể khỏi nếu áp dụng sai phương pháp.
Điều trị
Điều trị nấm da đầu có 2 cách đem lại hiệu quả cao là:
1. Điều trị bằng thuốc
Với những trường hợp phát hiện nấm da đầu mức độ trung bình - nặng sẽ được chỉ định dùng thuốc theo toa của bác sĩ. Có 2 loại thuốc trị nấm da đầu được dùng phổ biến là thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống toàn thân.
Thuốc bôi chống nấm tại chỗ
Có tác dụng giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu, giảm mức độ viêm nhiễm và loại bỏ nấm. Tuy nhiên, do thuốc được điều chế dưới dạng kem hoặc gel bôi trực tiếp lên da đầu, nên đôi lúc phải cạo hết tóc.
Một số loại thuốc bôi chống nấm da đầu thường dùng như:
- Ketoconazole
- Fluconazole
- Miconazol
- Clotrimazol
- Naftifine
- ...
Liều dùng khuyến cáo bôi từ 2 - 4 tuần. Trường hợp có tổn thương bội nhiễm, kết hợp sử dụng dung dịch sát trùng tại chỗ để làm sạch da đầu. Hãy dùng kem bôi sau khi gội sạch tóc, da đầu để đạt hiệu quả tối ưu.
Kết hợp dùng dầu gội chứa hoạt chất Selenium sulfide 2.5% ít nhất 2 lần/ tuần để đẩy nhanh quá trình điều trị. Ưu tiên chọn các loại dầu gội đầu chiết xuất tự hiên, có tác dụng diệt nấm, ức chế tiến triển viêm nhiễm và giảm ngứa, loại bỏ giàu, ngăn ngừa rụng tóc.
Một số loại dầu gội trị nấm da đầu phổ người bệnh có thể tham khảo như:
- Dầu gội Selsun
- Dầu gội Thái Dương 7
- Dầu gội Nizoral
- Dầu gội Mochi
- Dầu gội Lancopharm exitans anti dandruff
- Dầu gội Jasunny
Thuốc uống chống nấm toàn thân
Trường hợp nhiễm nấm nghiêm trọng với các tổn thương da đầu ngày càng nặng sẽ được chỉ định dùng thuốc uống chống nấm toàn thân. Hiện nay, có 2 loại được sử dụng phổ biến nhất là:
- Griseofulvin: với thời gian điều trị trong từ 8 - 10 tuần, liều dùng khuyến cáo như sau:
- Hỗn dịch thuốc Griseofulvin micronized liều 10 - 20mg/kg, dùng 1 lần duy nhất trong ngày;
- Trẻ > 2 tuổi dùng loại Griseofulvin siêu mịn tối đa 750mg/ ngày, chia làm 2 lần uống trong ngày, liên tục trong 6 - 8 tuần cho hoặc đến khi loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng nhiễm trùng;
- Terbinafine: với thời gian điều trị trong 4 - 6 tuần, liều dùng khuyến cáo như sau:
- Trẻ em < 20kg dùng liều 62.5mg x 1 lần/ ngày;
- Trẻ em từ 20 - 40kg dùng liều 125mg x 1 lần/ ngày;
- Trẻ em > 40kg dùng liều 250mg x 1 lần/ ngày;
- Người lớn dùng liều 250mg x 1 lần/ ngày;
Đối với người lớn, trường hợp nấm da đầu kèm theo các tổn thương viêm nhiễm nghiêm trọng và có kerion, có thể kết hợp sử dụng prednisone (thuốc kháng sinh) để điều trị ngắn hạn. Thuốc có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo xấu. Liều dùng khuyến cáo 40mg x 1 lần/ ngày đối với người lớn và 1 mg/ kg đối với trẻ em, giảm liều thuốc dần dần sau mỗi 2 tuần điều trị.
Khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần hết sức thận trọng, tuân thủ tuyệt đối liều dùng, tránh lạm dụng để phòng ngừa các tác dụng phụ ngoài ý muốn như: hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng, phát ban, nổi mề đay... Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, theo dõi kỹ sau khi dùng thuốc để kịp thời xử lý bất thường khi cần thiết.
2. Kết hợp chăm sóc tại nhà
Để tăng hiệu quả điều trị nấm da đầu bằng thuốc, người bệnh cũng cần kết hợp với các biện pháp sau đây:
- Cắt tóc ngắn: Bị nấm da đầu khiến tóc rụng nhiều đến mức khó kiểm soát. Nhất là tóc quá dày khiến da đầu càng dễ bị viêm nhiễm nặng. Do đó, hãy cắt tóc ngắn hoặc cạo tóc tại vùng da đầu tổn thương nặng trong quá trình điều trị để dễ dàng làm sạch và giúp thuốc thẩm thấu tốt hơn, loại bỏ toàn bộ các bào tử nấm.
- Vệ sinh da đầu: Luôn giữ vệ sinh da đầu sạch sẽ, gội đầu nhiều hơn bằng dầu gội đầu phù hợp để hỗ trợ đạt được kết quả điều trị tốt hơn. Đồng thời, luôn giữ da đầu khô thoáng, sạch sẽ.
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh: Trong suốt quá trình điều trị, hãy tránh xa tuyệt đối các tác nhân có thể gây nhiễm nấm, từ con người, động vật cho đến vật dụng... để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát nhiễm nấm nặng hơn.
- Sử dụng bột trị nấm: Loại bột trị nấm được bác sĩ da liễu khuyên dùng đó là phèn chua. Dùng phèn chua kết hợp muối gội đầu và ủ tóc 20 phút, sau đó xả sạch lại với nước sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc làm sạch, giảm bết tóc, sát khuẩn, cân bằng độ pH và diệt nấm.
Phòng ngừa
Nấm da đầu rất dễ chữa khỏi nhưng lại có khả năng tái phát thường xuyên khi gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, nếu không muốn mắc bệnh hoặc tái phát bệnh, hãy thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc hàng ngày và sinh hoạt kỹ lưỡng.
- Giữ vệ sinh da đầu và tóc sạch sẽ bằng cách tắm gội thường xuyên, loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết để làm da dầu thông thoáng.
- Luôn giữ cho da đầu khô ráo, sấy tóc hoặc đợi tóc khô tự nhiên mới đi ngủ hoặc đội mũ.
- Gội đầu đúng cách, xoa nhẹ nhàng, không cào gãi mạnh, nhất là khi da đầu có các tổn thương viêm nhiễm, vết thương hở để tránh gây nhiễm trùng nặng hơn.
- Sử dụng dầu gội đầu phù hợp với đặc tính da đầu. Ưu tiên những loại chiết xuất tự nhiên, không chứa hóa chất, hương liệu tránh gây kích ứng cho da đầu.
- Không đội mũ quá chật hoặc trong thời gian dài để tránh khiến da đầu bí bách, ẩm ướt và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị nấm hoặc gián tiếp qua sử dụng chung các vật dụng cá nhân để phòng ngừa nguy cơ nhiễm nấm.
- Tránh tiếp xúc, ôm ấp vật nuôi bị nhiễm nấm. Đặc biệt phải rửa tay hoặc tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ để loại bỏ các tác nhân gây viêm nhiễm.
- Thường xuyên giặt giũ, thay mới chăn, drap, nệm, gối, mền để loại bỏ sự ký sinh của các loại nấm, vi khuẩn.
- Hạn chế nhuộm tóc, nhất là với những người có nền da đầu yếu, để tránh gây tổn thương do tiếp xúc với độc tính cao.
- Ăn uống lành mạnh, sinh hoạt khoa học giúp nâng cao sức đề kháng, cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Chủ động thăm khám sức khỏe tổng quát hoặc khám ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường để chẩn đoán, điều trị bệnh hiệu quả.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh nấm da đầu là gì?
2. Tình trạng nấm da đầu của bản thân tôi có nặng không?
3. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn trong việc điều trị?
4. Chẩn đoán nấm da đầu bằng phương pháp nào đem lại kết quả chính xác?
5. Phương pháp điều trị nấm da đầu tốt nhất đối với tình trạng bệnh của tôi?
6. Những rủi ro và lợi ích xoay quanh phác đồ điều trị này?
7. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị hoặc gián đoán việc điều trị nấm da đầu?
8. Những điều tôi nên làm và cần tránh trong quá trình điều trị nấm da đầu?
9. Mất bao lâu để có thể chữa khỏi dứt điểm nấm da đầu?
10. Sau điều trị nấm da đầu tôi có cần tái khám không?
Nấm da đầu là bệnh lý da liễu không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, do đặc tính dễ tái phát và lây lan nhanh chóng nên việc điều trị thường kéo dài và phức tạp ở giai đoạn nặng. Do đó, không nên chủ quan trong việc điều trị để tránh những rủi ro khó lường về sau.