Hội chứng truyền máu song thai

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Hội chứng truyền máu song thai là vấn đề sản khoa hiếm gặp, thường xảy ra ở những cặp sinh đôi có chung nhau thai. Hội chứng này khiến một thai nhận ít máu và một thai nhận nhiều máu. Hậu quả dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, tổn thương não, thậm chí chết lưu cả 2 thai nếu không điều trị kịp thời. 

Tổng quan

Hội chứng truyền máu song thai (Twin-Twin Transfusion Syndrome - TTTS) là tình trạng bất thường về các kết nối mạch máu trong nhau thai, khiến máu lưu thông không đều giữa hai bào thai. Hậu quả là cả 2 bào thai đều xảy ra vấn đề, một trường hợp bị thiếu máu, thiểu ối do cho nhiều máu và trường hợp còn lại bị đa ối, suy tim do nhận nhiều máu.

Hội chứng truyền máu song thai là tình trạng cho - nhận máu giữa 2 bào thai không đồng đều

Đây là hội chứng hiếm gặp trong thai kỳ, tỷ lệ mắc hội chứng này chỉ khoảng 0,1 - 1.9/1000 ca mang thai. Hội chứng này chỉ xảy ra ở những cặp sinh đôi cùng trứng và cùng dùng chung một bánh nhau. Thường xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ.

Tình trạng bất thường này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì quá trình cho - nhận máu bất thường của cặp sinh đôi kéo dài quá lâu có thể khiến một thai chết lưu và một thai mắc các di chứng thần kinh nghiêm trọng khi chào đời. Trường hợp xấu nhất là cả 2 thai nhi đều tử vong trước tuần 26.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng truyền máu song thai xuất phát từ sự bất thường của nhau thai. Thông thường, cả hai bào thai khi dùng chung 1 bánh nhau sẽ được chia đều lượng máu chứa dưỡng chất và oxy. Tuy nằm trong 2 túi ối riêng biệt nhưng 2 bào thai vẫn sẽ phát triển đồng đều.

Tuy nhiên, khi mắc hội chứng truyền máu song thai, các mạch máu trong nhau thai kết nối và phát triển bất thường. Sự nối thông giữa động và tĩnh mạch gây mất cân bằng huyết động giữa 2 bào thai. Gây cản trở dòng máu chảy và phân bổ đến 2 thai, khiến một thai nhận nhiều máu và một thai nhận ít máu.

Phụ nữ mang đa thai cùng một nhau thai có nguy cơ cao mắc hội chứng truyền máu song thai

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây hội chứng truyền máu song thai vẫn chưa được làm rõ. Chỉ biết rằng phụ nữ mang đa thai cùng một bánh nhau sẽ có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn so với phụ nữ mang thai đơn bình thường.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Những dấu hiệu của hội chứng truyền máu song thai thường không đặc hiệu, tuy nhiên chúng có thể biểu hiện rõ rệt thông qua triệu chứng sau:

  • Đau và co thắt vùng bụng dưới;
  • Phù nặng, nhất là ở bàn tay, bàn chân;
  • Tăng cân bất thường;
  • Tăng huyết áp;
  • Kích thước tử cung lớn hơn so với tuổi thai;

Chẩn đoán

Hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp nên rất ít người chú ý đến các dấu hiệu của bệnh. Tuy nhiên, việc chẩn đoán hội chứng này không quá khó, thường thực hiện bằng phương pháp siêu âm thai kỳ. Siêu âm hoặc siêu âm Doppler cho phép đánh giá mức độ nước ối và phát hiện lưu lượng máu bất thường của 2 bào thai.

Ngoài ra, sản phụ cũng có thể được chỉ định thực hiện siêu âm tim thai, chọc ối hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để xác nhận chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng của hội chứng này.

Siêu âm giúp chẩn đoán các dấu hiệu của hội chứng truyền máu song thai

Bên cạnh đó, chẩn đoán xác định giai đoạn của hội chứng truyền máu song thai cũng là một phần quan trọng giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng. Chẩn đoán này thường dựa vào hệ thông tiêu chuẩn Quintero.

  • Giai đoạn 1: Kích thước túi ối của thai cho nhỏ hơn thai nhận. Do thai cho bị giảm nước ối, thai nhận dư thừa nước ối.
  • Giai đoạn 2: Bàng quang của thai cho không còn nhìn thấy khi siêu âm. Dấu hiệu của việc giảm lượng nước tiểu trong túi ối.
  • Giai đoạn 3: Mất cân bằng lưu lượng máu rõ rệt giữa thai cho và thai nhận.
  • Giai đoạn 4: Có dấu hiệu suy tim ở 1 trong 2 thai do thừa máu khiến tim hoạt động quá sức.
  • Giai đoạn 5: Một trong hai hoặc cả 2 thai đều chết.

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng

Hội chứng truyền máu song thai được đánh giá là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm trong thai kỳ. Nó ảnh hưởng đến cả hai bào thai thông qua cơ chế rối loạn, cụ thể như sau:

Đối với thai cho máu

Bào thai cho máu nhiều hơn có xu hướng giảm thể tích tuần hoàn. Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bàng quang, gây thiểu niệu và lượng nước ối thấp.

Thiếu nước ối khiến thai nhi dính sát vào thành tử cung, không thể cử động linh hoạt cũng như không thay đổi tư thế. Hệ thống hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu của trẻ cũng sẽ kém phát triển do bào thai thiếu nước ối. Nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ thai chết lưu là 90 - 100%.

Cả hai bào thai nhận và cho máu đều gặp những biến chứng nguy hiểm nhưng tiên lượng thường tốt nếu điều trị kịp thời

Đối với thai nhận máu

Trái ngược với bào thai cho máu, bào thai nhận máu nhiều khiến thể tích máu tăng lên liên tục và có xu hướng phát triển đa niệu. Biểu hiện gồm đi tiểu nhiều hơn, bàng quang luôn trong trạng thái đầy gây đa ối.

Ngoài ra, dư thừa máu khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, vượt quá khả năng của tim nói riêng và hệ thống tuần hoàn nói chung. Hậu quả gây rối loạn chức năng tim, dẫn đến suy tim và tử vong.

Tiên lượng

Tiên lượng hội chứng truyền máu song thai thường tiến triển xấu và gây biến chứng nặng nề nhất là 2 thai cùng chết lưu do không điều trị kịp thời. Hoặc nếu chỉ có 1 thai chết lưu, thai còn lại có thể chào đời nhưng cũng gây ra nhiều dị tật thần kinh nghiêm trọng như xuất huyết não thất, viêm màng não...

Tuy nhiên, hội chứng này có thể được phát hiện sớm thông qua siêu âm thông thường. Nếu được điều trị đúng cách và đúng thời điểm, cả hai bào thai đều có thể phát triển ổn định. Hầu hết sản phụ đều sẽ được chỉ định sinh mổ vào tuần thứ 34 - 35.

Do đó, hãy tuân thủ lịch khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị phù hợp nhất.

Điều trị

Chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm là chìa khóa quan trọng giúp điều trị hội chứng truyền máu song thai. Tùy theo giai đoạn bệnh, mức độ nghiêm trọng, tuổi thai và sức khỏe của thai phụ, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Phẫu thuật laser ngắt các mạch máu trong nhau thai là biện pháp điều trị hiệu quả nhất

Một số biện pháp điều trị tích cực bao gồm:

  • Chọc hút dịch ối: Quy trình thực hiện tương tự như chọc ối chẩn đoán. Bác sĩ sẽ tiến hành dùng kim chọc hút bớt lượng ối dư thừa ở thai nhận máu nhiều hơn. Biện pháp này giúp cân bằng lưu lượng máu trong nhau thai và giảm áp lực lên tim mạch của 2 bào thai.
  • Liệu pháp quang đông bằng tia laser: Đây là phẫu thuật nội soi kết hợp sử dụng tia laser để đóng các mạch máu nối thông bất thường giữa động - tĩnh mạch. Sau khi hoàn thành, 2 bào thai sẽ nhận máu trực tiếp từ nhau thai, không còn tình trạng cho - nhận máu bất thường. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao nhưng tiềm ẩn một số rủi ro ngoài ý muốn, nên cần hết sức cân nhắc trước khi áp dụng.
  • Phẫu thuật mổ lấy thai hoặc hủy thai có chọn lọc: Trường hợp phát hiện hội chứng truyền máu song thai trễ trong các tháng cuối thai kỳ. Tùy theo mức độ nghiêm trọng và biến chứng ở 2 bào thai, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định mổ lấy thai sớm hoặc 1 trong 2 bào thai bằng cách cắt bỏ dây rốn.
  • Chăm sóc tích cực tại nhà: Một số biện pháp hữu ích giúp mẹ bầu cải thiện các triệu chứng hội chứng truyền máu song thai như:
    • Xoa bóp, massage thư giãn;
    • Châm cứu giảm sưng phù;
    • Tập yoga nâng cao sức đề kháng;
    • Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp 2 bào thai phát triển và tăng trưởng ổn định;
    • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và tránh thực hiện các hoạt động quá sức, gây căng thẳng cho cơ thể;

Phòng ngừa 

Hội chứng truyền máu song thai có tiên lượng xấu và gây ra nhiều biến chứng khó lường cho cặp sinh đôi. Tuy nhiên, hội chứng này là một dạng rối loạn cấu trúc nhau thai một cách ngẫu nhiên nên gần như không có biện pháp phòng ngừa. Thay vào đó, chỉ có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường thông qua siêu âm định kỳ.

Khuyến khích phụ nữ mang song thai cần phải tuân thủ tuyệt đối lịch khám thai, theo dõi chặt chẽ thai kỳ từ tuần thứ 16 cho đến lúc lâm bồn ít nhất 2 tuần/ lần. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định kết quả điều trị. Chỉ cần phát hiện sớm < tuần thứ 20, tỷ lệ điều trị khỏi cao hơn.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc hội chứng truyền máu song thai?

2. Hội chứng này gây ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của con tôi?

3. Quá trình mang thai của tôi có khác với những thai phụ bình thường không?

4. Hội chứng truyền máu song thai có khiến thai nhi tử vong không?

5. Nếu phát hiện và điều trị sớm, có thể sinh cả hai thai được không?

6. Phương pháp điều trị hội chứng truyền máu song thai tốt nhất dành cho tôi?

7. Tôi cần chú ý những gì để cải thiện sức khỏe trong quá trình điều trị hội chứng truyền máu song thai?

8. Tôi cần làm gì để phòng ngừa nguy cơ mắc hội chứng truyền máu song thai trong lần mang thai sau?

Hội chứng truyền máu song thai là biến chứng thường gặp của tình trạng mang đa thai cùng bánh nhau. Những biến chứng nguy hiểm khó lường của hội chứng này khiến quá trình mang thai trở nên bất thường, tỷ lệ tử vong cao ở cả 2 bào thai nếu không điều trị trước tuần 20. Do đó, khuyến cáo phụ nữ mang đa thai cần phải tuân thủ lịch khám thai định kỳ để theo dõi thai sát sao, phát hiện sớm bất thường và có hướng xử lý kịp thời.

Ngày đăng 21:07 - 19/05/2023 - Cập nhật lúc: 21:08 - 19/05/2023
Chia sẻ:
Bệnh Suy Buồng Trứng
Suy buồng trứng là nỗi ám ảnh của không ít chị em phụ nữ. Sự suy giảm chức năng buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản…
Loạn Sản Cổ Tử Cung
Loạn sản cổ tử cung là tình trạng phát triển…
Sa tử cung
Sa tử cung là một trong những dạng sa tạng…
Viêm Tuyến Vú
Viêm tuyến vú là tình trạng nhiễm trùng tuyến vú…
Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ xảy ra rất phổ biến trong thời điểm khoảng 24 - 28 tuần. Nguyên nhân được…

Hội Chứng XYY (hội chứng siêu nam)

Hội chứng XYY chỉ xảy ra ở trẻ nam sau sinh và theo trẻ đến suốt cuộc đời. Những trẻ…

Viêm lộ tuyến tử cung Bệnh Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung

Viêm lộ tuyến tử cung là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới, nhất là các chị em…

Hội Chứng HELLP

Hội chứng HELLP là biến chứng thai kỳ khá hiếm gặp, đặc trưng với các dấu hiệu về tình trạng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua