Hội chứng quá kích buồng trứng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Hội chứng quá kích buồng trứng là vấn đề sức khỏe bất thường xảy ra ở phụ nữ đang điều trị sinh sản. Tình trạng này gây ra một loạt các triệu chứng nghiêm trọng, mức độ từ nhẹ đến nặng. Thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Điều trị quá kích buồng trứng có thể dùng thuốc giảm đau hoặc nhập viện điều trị loại bỏ tích tụ chất lỏng, kiểm soát triệu chứng. 

Tổng quan

Hội chứng quá kích buồng trứng (Ovarian Hyperstimulation Syndrome - OHSS) là vấn đề sức khỏe phát sinh trong quá trình điều trị hiếm muộn, nhất là bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tình trạng này đặc trưng với sự sưng phù bất thường của buồng trứng và rò rỉ chất lỏng vào trong cơ thể.

Sự phát triển của hội chứng quá kích buồng trứng xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ trẻ đang điều trị hiếm muộn, vô sinh nhưng mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là một dạng rối loạn chức năng sinh sản có liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.

Quá kích buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị kích thích quá mức dẫn đến sưng phù và tích tụ dịch lỏng

Hội chứng này khởi phát với 2 mức độ là nhẹ và nặng. Trong đó, đa số trường hợp OHSS đều được chẩn đoán mức độ nhẹ và có thể tự khỏi sau khoảng vài ngày. Một số ít trường hợp bị nặng, tiến triển bệnh nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng, bắt buộc phải can thiệp điều trị y tế càng sớm càng tốt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc quá kích buồng trứng trong IVF mức độ trung bình là 3 - 6%, mức độ nặng là 0.1 - 2%. Còn phần lớn trường hợp quá kích buồng trứng thường là do bệnh nhân được kích thích buồng trứng bằng thuốc, gây tăng kích thước buồng trứng và khởi phát OHSS mức độ nhẹ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân gây hội chứng quá kích buồng trứng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Đa số các nghiên cứu đều cho kết quả chung về mối liên hệ giữa bệnh với việc sử dụng quá mức thuốc điều trị sinh sản (hCG), kích thích buồng trứng sản xuất trứng nhiều hơn.

Điều này khiến buồng trứng sản xuất quá mức các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu. Làm tăng tính thấm của thành mạch, gây rò rỉ chất lỏng vào không gian thứ ba. Hậu quả là phát sinh một loạt các triệu chứng của quá kích buồng trứng.

Dùng thuốc điều trị sinh sản để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng hơn dễ khởi phát hội chứng quá kích buồng trứng

Cụ thể một số trường hợp dễ gây ra quá kích buồng trứng gồm:

  • Gonadotropin: Sử dụng Gonadotropin gây kích thích buồng trứng nhằm sản sinh ra nhiều nang trứng. Hậu quả làm tăng nồng độ estradiol huyết thanh và kích thước buồng trứng;
  • hCG ngoại sinh: Nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình hoàn thiện của các tế bào trứng;
  • Mang thai làm tăng nồng độ hCG có thể kích thích buồng trứng, tăng tiết các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu;
  • Tăng tính thấm thành mạch do quá trình liên kết của các chất, thụ thể dẫn đến kích hoạt tín hiệu xuôi dòng;
  • Phụ nữ trẻ < 30 tuổi và có cân nặng không đạt chuẩn;

Yếu tố nguy cơ

Những trường hợp dưới đây làm tăng nguy cơ cao phát triển hội chứng quá kích buồng trứng, bao gồm:

  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS);
  • Tiền sử đã từng mắc hội chứng quá kích buồng trứng;
  • Có các chỉ số sinh sản bất thường gồm: chỉ số AMH > 3.3ng/mL, số lượng noãn AFC > 8;
  • Số lượng nang trứng cao và có xu hướng tăng lên > 10mm;
  • Kết quả kiểm tra nồng độ estradiol huyết thanh cao và đang liên tục tăng nhanh;
  • Trong giai đoạn hỗ trợ hoàng thể điều trị sinh sản, sử dụng gonadotropin (hCG) thay vì progesterone;
  • Tăng đột biến số lượng trứng thu được khi tiến hành chọc trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng lâm sàng đặc trưng nhất của quá kích buồng trứng là làm tăng kích thước buồng trứng.Tình trạng này làm tích tụ dịch lỏng trong khoang bụng do tăng tính thấm thành mạch, gây sưng bụng, khó chịu. Hội chứng OHSS phát triển được chia làm 2 giai đoạn gồm:

  • OHSS giai đoạn sớm: Phân chia mức độ từ nhẹ đến trung bình. Nguy cơ khởi phát sau 4 - 7 ngày tính từ thời điểm sử dụng thuốc kích rụng trứng hCG.
  • OHSS giai đoạn muộn: Xảy ra trong chu kỳ đậu thai, triệu chứng khởi phát sau ít nhất 9 ngày kể từ thời điểm sử dụng thuốc kích rụng trứng hCG.

Các triệu chứng điển hình của quá kích buồng trứng gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn, khó thở, tăng cân... với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau

Các biểu hiện và triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Cụ thể như sau:

Triệu chứng quá kích buồng trứng nhẹ

Kích thước buồng trứng hai bên tăng nhẹ, kèm theo phát triển nhiều nang noãng và hoàng thể. Các triệu chứng điển hình gồm:

  • Chướng bụng, sưng bụng;
  • Khó chịu;
  • Buồn nôn;
  • Nôn ói;
  • Tiêu chảy;

Triệu chứng quá kích buồng trứng vừa

Bao gồm các triệu chứng đặc trưng của tình trạng OHSS mức độ nhẹ, kèm theo các biểu hiện sau:

  • Siêu âm phát hiện khoang bụng tích tụ dịch;
  • Kích thước buồng trứng tăng > 12cm;
  • Rối loạn tiêu hóa như khó chịu vùng bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy... với tần suất và mức độ nặng hơn;

Triệu chứng quá kích buồng trứng nặng

Là giai đoạn phát triển từ OHSS mức độ vừa, kèm theo các tiêu chuẩn phát sinh gồm:

  • Phát hiện số lượng dịch lớn trong ổ bụng gây đau bụng dữ dội;
  • Một số trường hợp gây tràn dịch màng phổi;
  • Các triệu chứng điển hình gồm:
    • Tăng cân nhanh chóng, từ 15 - 20kg chỉ trong 5 - 10 ngày;
    • Kết quả xét nghiệm tăng bạch cầu tiến triển;
    • Cổ trướng, khó thở do thiếu oxy tràn dịch màng phổi;
    • Buồn nôn, thiểu niệu hoặc vô niệu;
    • Tụt đường huyết, nồng độ creatinine > 1.6mg/dL;
    • Kết quả xét nghiệm máu thấy mất cân bằng điện giải, tăng nồng độ hematocrit > 55%, WBC > 25.000/microL, máu cô đặc hình thành các cục máu đông;

Triệu chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng

Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của hội chứng quá kích buồng trứng. Đặc trưng với các biểu hiện về sự tổn thương, thoái hóa nặng đa tạng, cơ quan hệ thống trong cơ thể.

Các dấu hiệu điển hình gồm:

  • Rối loạn nhịp;
  • Suy thận cấp;
  • Suy hô hấp;
  • Tắc nghẽn mạch máu do hình thành huyết khối trong tĩnh mạch và động mạch;
  • Nhiễm trùng huyết do tràn dịch màng phổi và hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS);

Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác hội chứng quá kích buồng trứng, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện một loạt các kiểm tra và xét nghiệm sau:

Chẩn đoán quá kích buồng trứng dựa vào đánh giá triệu chứng lâm sàng kết hợp xét nghiệm máu, siêu âm

  • Khám sức khỏe: Đo cân nặng, kích thước vòng bụng, eo và so sánh với kích thước trước đó để đánh giá mức độ sưng phù.
  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm cho phép đánh giá sự tích tụ dịch lỏng trong khoang bụng và xác định kích thước buồng trứng.
  • Chụp X quang ngực: Giúp xác định vị trí tích tụ chất lỏng ở các vị trí trong cơ thể như bụng, thận...
  • Xét nghiệm máu: Nhằm mục đích đo nồng độ hormone, đánh giá các yếu tố bất thường trong máu, đo lường chức năng thận... Xét nghiệm máu thường được chỉ định thực hiện thường xuyên cùng với siêu âm đối với bệnh nhân đang điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Biến chứng và tiên lượng

Phụ nữ bị hội chứng quá kích buồng trứng khá nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng sau:

Phụ nữ bị quá kích buồng trứng có thể gặp biến chứng xoắn buồng trứng hoặc hình thành cục máu đông nguy hiểm cho sức khỏe

  • Xoắn buồng trứng: Thể tích và kích thước buồng trứng tăng lên làm tăng nguy cơ bị xoắn buồng trứng. Đa số trường hợp phải phẫu thuật ngay để xử lý, ngăn chặn biến chứng.
  • Cục máu đông: Bị OHSS dễ hình thành các cục máu đông trong động mạch hoặc tĩnh mạch, chủ yếu xuất hiện ở phổi, chân gây đau nhức. Trường hợp nặng hơn cục máu đông có thể hình thành trong mạch máu não gây thiếu máu cục bộ, tăng nguy cơ đột quỵ.

Đa số các trường hợp mắc hội chứng quá kích buồng trứng thường chỉ tạm thời, kéo dài khoảng 2 tuần sẽ tự thuyên giảm. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng bệnh cũng có thể được kiểm soát và tiến triển tốt nếu được điều trị kịp thời. Tiên lượng sức khỏe sinh sản thường tốt đối với phụ nữ bị quá kích buồng trứng, thai nhi có thể phát triển tốt và chào đời khỏe mạnh mà không gây ra bất kỳ rủi ro nào.

Điều trị

Tùy mức độ nghiêm trọng của tình trạng OHSS, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Mục đích của việc điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn biến chứng.

Điều trị quá kích buồng trứng bằng phác đồ phù hợp với mức độ bệnh nhẹ hoặc nặng

Đối với OHSS mức độ nhẹ và trung bình 

Các biện pháp điều trị bệnh quá kích buồng trứng mức độ này gồm các biện pháp sau:

  • Tránh thực hiện các hoạt động thể chất quá sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi;
  • Tăng cường uống nước;
  • Sử dụng thuốc giảm đau acetaminophen để cải thiện các triệu chứng;
  • Kiểm soát cân nặng hàng ngày;
  • Ăn uống đủ chất, hạn chế thực phẩm nhiều muối, đường và tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức đề kháng;
  • Theo dõi triệu chứng, lượng nước tiểu và tiến triển bệnh liên tục;
  • Tái khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như nôn mửa, tiêu chảy liên tục, khó thở, tăng cân, tăng kích thước vòng bụng nhanh chóng...;

Đối với OHSS mức độ nghiêm trọng

Bệnh nhân bị quá kích buồng trứng thể nặng bắt buộc phải nhập viện để điều trị. Bao gồm các chỉ định y tế sau:

  • Người bệnh cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế đi lại;
  • Điều chỉnh liều dùng thuốc trị sinh sản;
  • Tiêm thuốc Albumin tĩnh mạch nhằm tăng áp lực keo nội mạch. Liều khuyến cáo là 50 - 100ml/ngày;
  • Bổ sung đầy đủ các chất điện giải gồm:
    • Natri clorid 0.9%, liều khuyến cáo 500 - 1000ml/ngày;
    • Glucose 5%, liều khuyến cáo 500 - 1000ml/ngày;
    • Không nên dùng Ringer lactat để tránh gây tăng kali máu;
  • Trường hợp ổ bụng bệnh nhân chứa các ổ dịch lớn với tiên lượng xấu, bác sĩ thường chỉ định chọc dẫn lưu ổ bụng qua đường âm đạo, nhằm cải thiện triệu chứng. Kết hợp bù các chất điện giải, bù đạm sau khi rút ống dẫn lưu để dự phòng các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe;
  • Trường hợp quá kích buồng trứng kèm theo suy thận có thể sử dụng Dopamine liều thấp, khoảng 0.18mg/kg/giờ;
  • Theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn, xét nghiệm máu và kiểm tra chức năng gan, thận liên tục 2 ngày/ lần;
  • Cân nhắc chấm dứt thai kỳ nếu tình trạng bệnh tiến triển ngày càng nặng, không đáp ứng với các biện pháp điều trị và đe dọa tính mạng sản phụ;

Phòng ngừa

Hội chứng quá kích buồng trứng tuy không quá phổ biến nhưng lại là vấn đề sức khỏe sinh sản gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Do đó, những chị em đang trong quá trình điều trị sinh sản, hãy thực hiện kế hoạch phù hợp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để giảm các nguy cơ rủi ro khởi phát bệnh.

Điều chỉnh liều lượng hormone sử dụng trong phác đồ điều trị sinh sản để giảm nguy cơ khởi phát hội chứng quá kích buồng trứng

Cụ thể một số biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa quá kích buồng trứng gồm:

  • Điều chỉnh liều lượng thuốc Gonadotropin xuống mức thấp nhất để kích thích buồng trứng ở mức độ vừa phải.
  • Kết hợp sử dụng một số loại thuốc dự phòng nguy cơ quá kích buồng trứng mà không gây ảnh hưởng đến khả năng đậu thai. Chẳng hạn như thuốc chủ vận dopamine (carbergoline hoặc quinogloide), aspirin liều thấp hoặc truyền canxi.
  • Riêng với phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cần phải duy trì sử dụng thuốc Metformin trong suốt quá trình kích thích buồng trứng để ngăn ngừa sự quá phát.
  • Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy bạn có nhiều nang trứng hoặc nồng độ estrogen cao, cần phải ngưng tiêm thuốc vài ngày.
  • Khuyến cáo không nên sử dụng thuốc tiêm kích hoạt hCG, thay vào đó nên kích hoạt thuốc bằng cách sử dụng nhóm chất chủ vận Gn-RH như leuprolide giúp ngăn ngừa quá kích buồng trứng.
  • Nếu đang trong quá trình làm IVF, có thể tiến hành trữ đông nang trứng để giảm nguy cơ bị quá kích buồng trứng. Đợi đén khi cơ thể phục hồi ổn định trở lại, có thể tiếp tục thực hiện quy trình IVF.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, tăng cân và kích thước vòng eo nhanh chóng có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc hội chứng quá kích buồng trứng?

3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

4. Hội chứng quá kích buồng trứng có nguy hiểm không?

5. Tôi có thể mang thai và sinh con bình thường khi bị quá kích buồng trứng không?

6. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán tình trạng quá kích buồng trứng?

7. Phương pháp điều trị quá kích buồng trứng nào tốt nhất đối với tình trạng của tôi?

8. Quá trình điều trị quá kích buồng trứng mất bao lâu thì khỏi?

9. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị quá kích buồng trứng?

10. Điều trị quá kích buồng trứng có tốn kém không?

Quá kích buồng trứng là tình trạng nghiêm trọng về buồng trứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Tùy theo mức độ triệu chứng và nguy cơ biến chứng, mỗi trường hợp bệnh cụ thể sẽ được chỉ định áp dụng phác đồ điều trị hiệu quả. Do đó, khuyến cáo chị em phụ nữ, nhất là những người đang điều trị sinh sản cần chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Ngày đăng 09:29 - 27/05/2023 - Cập nhật lúc: 09:30 - 27/05/2023
Chia sẻ:
Hội chứng Vulvodynia
Hội chứng Vulvodynia được mô tả là tình trạng đau âm hộ mãn tính. Xảy ra do nhiều tình trạng khác nhau như nhiễm trùng, áp lực, tổn thương, mất…
Bệnh Teo Thực Quản
Teo thực quản là một trong những dị tật bẩm…
Tắc vòi trứng Bệnh Tắc Vòi Trứng
Tắc vòi trứng là bệnh lý sản - phụ khoa…
Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung là dạng ung thư…
Bệnh U nang tuyến Bartholin

U nang tuyến Bartholin là dạng nang âm đạo phổ biến. Bệnh đặc trưng với những túi nang nhỏ phát…

Viêm Màng Ối

Viêm màng ối là biến chứng sản khoa khá hiếm gặp. Nó thường là kết quả của tình trạng nhiễm…

Bệnh Đa Ối

Đa ối là hiện tượng tích tụ lượng nước ối lớn khiến tử cung của thai phụ to hơn bình…

Hội Chứng XYY (hội chứng siêu nam)

Hội chứng XYY chỉ xảy ra ở trẻ nam sau sinh và theo trẻ đến suốt cuộc đời. Những trẻ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua