Hạ Kali Máu

Hạ kali máu là tình trạng nồng độ kali máu thấp hơn nhu cầu của cơ thể. Giảm kali máu nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tác động xấu đến hệ thần kinh, thận, tim và hệ tiêu hóa. Nhiều trường hợp có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bổ sung kali máu qua đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch là giải pháp điều trị hiệu quả nhất đối với tình trạng này. 

Tổng quan

Kali là chất điện phân cần thiết nhằm duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Cụ thể là cho các tế bào, cơ bắp và dây thần kinh truyền gửi tín hiệu. Kali còn đặc biệt quan trọng đối với các tế bào trong tim và duy trì huyết áp ở mức ổn định. Kali thường được dung nạp thông qua thực phẩm và đào thải lượng dư thừa qua nước tiểu.

Hạ kali máu là tình trạng nồng độ kali trong máu thấp hơn mức bình thường

Hạ kali máu (Hypokalemia) là tình trạng nồng độ kali trong máu thấp. Ở người trưởng thành, tổng lượng kali máu bình thường dao động trong khoảng từ 3.5 - 5.2mmol/L. Nếu kết quả đo thấp hơn 3mmol/L được xem là hạ kali máu.

Tình trạng hạ kali máu có thể do thiếu lượng kali nạp vào hoặc mất kali quá mức thông qua nước tiểu và đường tiêu hóa. Những người bị hạ kali máu quá mức có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch, yếu cơ và nặng hơn là tê liệt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của hạ kali máu không phải bệnh lý, nó chỉ là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác. Có rất nhiều nguyên nhân gây hạ kali máu, bao gồm:

Nôn ói, tiêu chảy hoặc suy giảm chức năng thượng thận là những nguyên nhân hàng đầu gây hạ kali máu

Nguyên nhân bệnh lý 

Một số tình trạng sức khỏe bất thường gây hạ kali máu như:

  • Rối loạn ăn uống, cuồng ăn quá mức và nghiện rượu;
  • Hội chứng tăng tiết mồ hôi quá mức (Hyperhidrosis);
  • Tiêu chảy mạn tính;
  • Nôn ói liên tục;
  • Tăng tuần suất tiểu tiện;
  • Cao huyết áp (được gây ra bởi gen đột biến);
  • Bệnh thận mãn tính;
  • Nồng độ magie thấp;
  • Hội chứng Cushing do tiếp xúc nhiều với cortisol;
  • Hội chứng cường Aldosteron (do tuyến thượng thận sản sinh dư thừa hormone aldosterone);
  • Hội chứng Bartter (do thận không thể tái hấp thu một số các chất điện giải);
  • Nhiễm toan ống thận;
  • Nhiễm độc tuyến giáp;
  • Các hội chứng di truyền hiếm gặp khác như:
    • Hội chứng Gitelman;
    • Hội chứng Liddle;
    • Hội chứng Fanconi;

Tác dụng phụ của thuốc

Các loại thuốc có thể gây hạ kali máu như:

  • Nhóm thuốc kháng sinh như penicillin, ampicillin, gentamicin;
  • Nhóm thuốc lợi tiểu như Zaroxolyn (Metolazone), Diamox (Acetazolamide), nhóm thiazide như Zaroxolyn (metolazone);
  • Nhóm thuốc chủ vận thụ thể beta2 như Akovaz (Ephedrine), ProAir HFA (albuterol), EpiPen (epinephrine);
  • Nhóm thuốc Mineralocorticoids và glucocorticoids như prednisone, hydrocortisone, fudrocortisone;
  • Thuốc insulin;
  • Nhóm thuốc nhuận tràng như Arlex (sorbitol), Kayexalate (natri polystyrene sulfonate) và phenolphtalein;
  • Chất xanthines như caffein và theophylline;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Triệu chứng 

Nếu chỉ bị hạ kali máu nhẹ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nếu nồng độ kali giảm thấp quá ngưỡng cho phép, bạn có thể gặp phải các dấu hiệu sau:

Bệnh nhân hạ kali máu thường dễ mệt mỏi, táo bón, co thắt cơ, chuột rút và nhất là rối loạn nhịp tim

  • Mệt mỏi, kiệt sức;
  • Yếu cơ, co thắt;
  • Ngứa ran;
  • Tê liệt;
  • Tim đập nhanh;
  • Táo bón;

Nồng độ kali càng giảm thấp, các triệu chứng càng nghiêm trọng như:

  • Co giật & chuột rút cơ bắp;
  • Yếu cơ nghiêm trọng, tê liệt;
  • Tụt huyết áp đột ngột;
  • Hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Đa niệu (tiểu nhiều);
  • Khát nước liên tục;

Chẩn đoán

Tình trạng hạ kali máu thường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Xét nghiệm này giúp đo nồng độ kali và các chất khác trong máu như natri, clorua, glucose, nitơ urê máu (BUN) và creatinine. Sau đó, đánh giá dựa theo bảng xét nghiệm sinh hóa cơ bản để chẩn đoán xác định bị hạ kali máu. Trong đó:

  • Nếu mức kali từ 3 - 3.5mmol/L được xem là hạ kali máu nhẹ;
  • Nếu mức kali < 3mmol/L được coi là hạ kali máu nghiêm trọng;

Xét nghiệm máu là kỹ thuật chẩn đoán chính xác tình trạng hạ kali máu

Nếu chưa thể xác định được nguyên nhân gây hạ kali máu, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Đo nồng độ kali và clorua trong nước tiểu, xác định xem tình trạng hạ kali máu có liên quan đến thận hay không.
  • Xét nghiệm khí động mạch máu (ABG): Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách lấy máu từ động mạch để đo lượng oxy, carbon dioxide và nồng độ pH máu. Những chỉ số này giúp đánh giá xem bạn có gặp tình trạng nhiễm toan hoặc nhiễm kiềm chuyển hóa hay không.
  • Đo điện tâm đồ (ECG/ EKG): Tình trạng hạ kali máu có thể gây ra ảnh hưởng đến huyết áp nên có thể kết hợp kiểm tra điện tâm đồ. Kỹ thuật này giúp đo nhịp tim của bạn có hoạt động bình thường hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Hạ kali máu nghiêm trọng và kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là với những bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền về tim, phổi... Các biến chứng về hệ thống tim mạch và thần kinh cơ rất dễ xảy ra khi bị hạ kali máu. Cụ thể như sau:

Người bị hạ kali máu có thể găp biến chứng rối loạn nhịp tim, suy hô hấp hoăc liệt chi cực kỳ nguy hiểm

  • Rối loạn nhịp tim: Tim đập chậm do cơ tim giảm sức co bóp hoặc hiện tượng rối loạn nhịp nhanh xoắn đỉnh. Đây đều là những biến chứng nguy hiểm dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, thậm chí ngừng tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
  • Suy hô hấp: Liệt cơ hô hấp khiến bệnh nhân khó thở, dẫn đến suy hô hấp nặng.
  • Liệt chi: Lượng kali máu quá thấp gây tổn thương thần kinh cơ, gây các biểu hiện nghiêm trọng như yếu cơ, chuột rút, dị cảm... Nghiêm trọng nhất là gây liệt chi, mất phản xạ gân xương, liệt 2 chi dưới (liệt Westphall).
  • Các biến chứng khác:
    • Rối loạn cơ tròn;
    • Rối loạn tiêu hóa, chướng bụng;

Có không ít trường hợp hạ kali máu với tiên lượng xấu, tiến triển nặng trong thời gian ngắn và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Nhưng ngược lại, với những trường hợp hạ kali máu được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách, bổ sung đầy đủ lượng kali thiếu hụt, bạn sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe mà không để lại bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào.

Điều trị

Bổ sung kali là biện pháp điều trị hạ kali máu nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bạn có thể bổ sung kali dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Đồng thời, kết hợp giải quyết các vấn đề căn nguyên gây hạ kali máu. Đa số các trường hợp nên được cấp cứu và xử lý tại bệnh viện.

Tăng cường bổ sung lượng kali thiếu hụt, cải thiện triệu chứng và ngăn chặn biến chứng

Bổ sung kali uống

Trường hợp bị hạ kali máu mức độ nhẹ và vừa, có ít hoặc không có triệu chứng sẽ được chỉ định bổ sung kali dạng uống. Phương pháp này giúp cải thiện hiệu quả và nhanh chóng tình trạng thiếu hụt kali. Liều khuyến cáo uống KCl 10 - 15mmol/L mỗi 3 giờ.

Bổ sung dạng truyền tĩnh mạch

Những người bị hạ kali máu có dấu hiệu của các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn điện tim, cách tốt nhất là truyền KCl qua tĩnh mạch. Đây là cách nhanh nhất giúp ổn định lượng kali máu về mức bình thường.

Tuy nhiên, cần chú ý theo dõi lượng kali được nạp vào, kết hợp xét nghiệm liên tục hoặc đo điện tâm đồ. Tránh tình trạng nạp dư thừa kali sẽ dẫn đến tăng kali máu và gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Kết hợp bổ sung magie trong trường hợp hạ kali máu nặng.

Sau khi đã bổ sung đủ lượng kali cần thiết, bệnh nhân sẽ phải thực hiện các chẩn đoán chuyên sâu và tiến hành điều trị nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như nếu bị hạ kali máu do hội chứng Cushing, người bệnh cần tập trung điều trị ức chế sự phát triển của các khối u của tuyế thượng thận.

Phòng ngừa 

Để giảm nguy cơ bị hạ kali máu, bạn cần tuân thủ thực hiện các biện pháp tích cực sau:

Chế độ ăn uống đủ chất giúp duy trì đủ lượng kali cần thiết cho cơ thể

  • Một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu kali như bơ, chuối, cam, đào, ngũ cốc nguyên cám, trái cây sấy, quả hạch, khoai tây... sẽ giúp bạn duy trì nguồn kali cần thiết cho cơ thể.
  • Nói không với rượu bia và các chất kích thích khác.
  • Những người đang sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc bị tiêu chảy nhiều cần tăng cường bù kali máu hàng ngày.
  • Hạn chế thực hiện các hoạt động thể chất quá sức và kéo dài thường xuyên.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị táo bón, yếu cơ, co thắt, mệt mỏi, tim đập nhanh, tê liệt... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tại sao tôi bị hạ kali máu?

3. Tôi bị hạ kali máu có nặng không?

4. Tôi nên điều trị hạ kali máu bằng cách nào tốt nhất?

5. Tôi nên bổ sung kali dạng uống hay dạng tiêm?

6. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị hạ kali máu?

7. Chế độ ăn uống tăng kali máu tôi nên áp dụng?

8. Điều trị hạ kali máu nội trú hay ngoại trú?

Hạ kali máu là tình trạng rối loạn điện giải phổ biến và cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe, biến chứng nguy hiểm kèm theo. Do đó, khuyến cáo những người được chẩn đoán hạ kali máu cần chủ động thăm khám sớm và điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng khó lường về sau.

Ngày đăng 00:44 - 16/05/2023 - Cập nhật lúc: 10:45 - 16/05/2023
Chia sẻ:
Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu
Xuất huyết giảm tiểu cầu ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Đây là một dạng rối loạn máu hiếm gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng…
Bệnh Ung thư hạch Hodgkin
Ung thư hạch Hodgkin là một nhánh nhỏ của ung…
Bệnh Cường Lách
Cường lách là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng…
Bệnh Máu Khó Đông (Hemophilia)
Máu khó đông là một dạng rối loạn chảy máu…
Phân loại ung thư máu Bệnh Ung thư máu

Ung thư máu là dạng ung thư gây ảnh hưởng đến các tế bào máu khỏe mạnh trong cơ thể,…

Bệnh Hồng Cầu Hình Liềm

Hồng cầu hình liềm là bệnh thiếu máu di truyền từ bố và mẹ cùng mắc bệnh. Gen bệnh truyền…

Bệnh Buerger

Bệnh Buerger là một dạng hiếm gặp của tình trạng viêm thuyên tắc các mạch máu ở tay và chân.…

Hội chứng Bernard Soulier

Hội chứng Bernard Soulier là rối loạn di truyền hiếm gặp gây ra các vấn đề về khả năng đông…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua