Bệnh Dị Ứng Thực Phẩm

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Dị ứng thực phẩm xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ và cả người lớn. Bệnh liên quan đến hiện tượng hệ thống miễn dịch phản ứng bất thường với các chất có trong thực phẩm. Bên cạnh các tổn thương ngoài da, người bị dị ứng thực phẩm còn có các triệu chứng toàn thân khác như tiêu chảy, nôn ói, sốt... Hầu hết các trường hợp dị ứng đều không quá nặng, thuyên giảm nhanh khi được chăm sóc tích cực vài ngày. 

Dị ứng thực phẩm là một trong những dạng dị ứng phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn

Tổng quan

Dị ứng thực phẩm (Food Allergy) là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch đối với một loại thực phẩm bất kỳ. Lúc này, hệ miễn dịch nhầm tưởng các chất có trong thực phẩm (thường là protein) giống như những mầm bệnh gây hại (virus, vi khuẩn) và kích hoạt cơ chế dị ứng để chống lại.

Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ do trải nghiệm ăn uống chưa đủ nhiều. Hoặc những người có cơ địa nhạy cảm bẩm sinh, di truyền từ cha mẹ. Điều này khiến cơ thể nhận diện một loại thực phẩm nào đó là chất gây hại cho cơ thể và phát sinh dị ứng khi dung nạp. Khác với các rối loạn tiêu hóa, tình trạng này có thể khởi phát ngay khi dung nạp một lượng nhỏ thực phẩm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Dị ứng thực phẩm xảy ra dựa trên cơ chế rối loạn của hệ thống miễn dịch. Ngay sau khi dung nạp thực phẩm dị ứng, hệ miễn dịch sẽ ngay lập tức nhận diện đây là tác nhân có hại cho cơ thể, sau đó giải phóng các tế bào kháng thể immuoglobulin (IgE) để loại bỏ độc tố và trung hòa chất dị ứng.

Sau lần đầu tiên bị dị ứng, hệ miễn dịch sẽ ghi nhận đây là chất có hại, dù bạn chỉ ăn một lượng nhỏ nhưng vẫn sẽ gây ra phản ứng dị ứng. Các kháng thể IgE truyền tín hiệu đến hệ miễn dịch và phóng thích histamin cùng các hoạt chất trung gian khác vào máu, dưới da... Đây là nguyên nhân gây ra hàng loạt các triệu chứng dị ứng khó chịu.

Đậu phộng là loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao

Theo thống kê, có đến 80% trường hợp dị ứng là do sử dụng các loại thực phẩm sau:

  • Sữa bò: Dị ứng sữa bò thực chất là do cơ thể phản ứng quá mẫn với nguồn đạm cao quá mức trong sữa. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ < 5 tuổi;
  • Trứng: Dị ứng trứng là do lượng protein trong trứng kích hoạt cơ chế dị ứng;
  • Đậu phộng: Dị ứng đậu phộng khá nguy hiểm với những người có cơ địa dị ứng sẵn. Chỉ cần một lượng nhỏ đậu phộng cũng có thể kích hoạt phản ứng dị ứng và tăng nguy cơ sốc phản vệ;
  • Đậu nành: Một số ít trường hợp bị dị ứng với đậu nành, thường là ở trẻ em dưới 10 tuổi;
  • Hải sản: Hải sản (ốc, tôm, cua, sò...) là loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao ở cả trẻ em và người lớn. Ngoài các tổn thương ngoài da, dị ứng hải sản còn có nguy cơ khởi phát sốc phản vệ nếu không xử lý kịp thời;
  • : Một số loại cá như cá tuyết, cá hồi, cá bơn... chứa protein cao có khả năng gây dị ứng;
  • Vừng: Protein trong vừng (mè) có khả năng phản ứng với hệ miễn dịch và gây dị ứng;
  • Các loại hạt: như óc chó, hạt dẻ cười, hạt phỉ, hạnh nhân... là nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng và có nguy cơ sốc phản vệ cao hơn so với trứng, sữa...;

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm gồm:

  • Tuổi tác: Trẻ em có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm cao hơn so với người lớn. Bởi trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu kém và trải nghiệm ăn uống cũng chưa đa dạng như người lớn. Đây là cơ sở để các yếu tố "lạ" trong thực phẩm có cơ hội phát sinh và gây dị ứng.
  • Di truyền: Bố mẹ mang gen dị ứng có thể di truyền cho con cái, khiến trẻ chào đời dễ bị dị ứng với một hoặc nhiều loại thực phẩm.
  • Tiền sử dị ứng: Những người đã từng có tiền sử dị ứng khác như chàm eczema, sốt cỏ khô... sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm.
  • Vi khuẩn đường ruột: Sự thay đổi về hệ vi sinh đường ruột, trong đó chủng Bacteroidales tăng cao, chủng Clostridiales giảm thấp cũng được nhận định là nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm, nhất là dị ứng với các loại hạt.
  • Môi trường: Các yếu tố về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí, các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hoặc thói quen ăn uống, sinh hoạt kém khoa học... cũng làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm.

Những yếu tố nguy cơ làm tăng phản ứng phát triển sốc phản vệ khi bị dị ứng thực phẩm cần lưu ý như:

  • Người có tiền sử mắc bệnh hen suyễn;
  • Trẻ em hoặc trẻ thiếu niên;
  • Trong tất cả các triệu chứng dị ứng thực phẩm, không có dấu hiệu phát ban hoặc các tổn thương ngoài da;

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường bộc lộ rõ ràng và dễ nhận biết. Chỉ sau vài phút hoặc vài giờ dung nạp thực phẩm dị ứng, sẽ phát sinh các triệu chứng sau:

Dị ứng thực phẩm gây các tổn thương ngoài da mức độ nhẹ như phát ban, nổi mẩn ngứa ngáy

  • Tổn thương da
    • Phát ban, nổi mẩn đỏ kèm theo ngứa ngáy
    • Ngứa da hoặc eczema
    • Nổi mề đay, phù mạch
    • Sưng môi, lưỡi, cổ họng và nhiều bộ phận khác
  • Triệu chứng tiêu hóa
    • Buồn nôn
    • Nôn mửa
    • Đau bụng
    • Tiêu chảy
  • Triệu chứng hô hấp
    • Tức ngực
    • Khó thở
    • Thở khò khè
    • Nghẹt mũi
    • Ngứa mũi, ngứa mắt
  • Triệu chứng toàn thân
    • Sốc gây tụt huyết áp
    • Hoa mắt, chóng mặt
    • Đau đầu
    • Mạch đập nhanh
    • Choáng hoặc ngất xỉu

Tùy vào loại và lượng thực ăn, cơ địa của trẻ và thời gian xuất hiện phản ứng dị ứng mà mỗi trường hợp dị ứng sẽ có các triệu chứng khác nhau.

Dựa vào những thông tin do bệnh nhân cung cấp, kết hợp thăm khám triệu chứng lâm sàng, đánh giá sức khỏe thể chất, điều trị tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ kết luận chung về tình trạng dị ứng thực phẩm, nguyên nhân và mức độ dị ứng nặng hoặc nhẹ. Trường hợp muốn xác định chính xác loại thực phẩm dị ứng, bác sĩ thường yêu cầu:

  • Viết nhận ký về các loại thực phẩm và thói quen ăn uống;
  • Test dị ứng da để xác định phản ứng của cơ thể với một loại thực phẩm nghi ngờ nào đó trên vùng da cánh tay hoặc lưng;
  • Xét nghiệm máu đo lường chỉ số kháng thể IgE;

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp dị ứng thực phẩm đều không quá nghiêm trọng và có thể kiểm soát được ngay sau đó bằng các biện pháp chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, việc chủ quan không loại bỏ loại thực phẩm dị ứng ra khỏi khẩu phần ăn gây tái phát phản ứng dị ứng nhiều lần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần của người bệnh.

Dị ứng thực phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị

Ngoài các tổn thương da, hô hấp, tiêu hóa đặc trưng, dị ứng thực phẩm còn có nguy cơ cao gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Hoặc nhiều biến cố sức khỏe khác như co thắt phế quản, phù thanh quản nghiêm trọng, tụt huyết áp khó phục hồi.

Điều trị

Dị ứng thực phẩm là căn bệnh dị ứng do cơ địa nên rất khó để có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Việc điều trị hiện nay chủ yếu áp dụng cách truyền thống là không dung nạp các loại thực phẩm gây dị ứng. Đồng thời, kết hợp điều trị triệu chứng dị ứng (nếu có).

1. Kích thích gây nôn 

Phản ứng dị ứng do thực phẩm thường bùng phát rất nhanh, chỉ sau vài phút hoặc vài giờ. Trong trường hợp loại thực phẩm dị ứng gây phản ứng nặng như sưng môi, cổ họng, phát ban, ngứa ngáy dữ dội, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói liên tục... hãy đưa tay vào cổ họng để kích thích gây nôn. Cách này sẽ giúp loại bỏ lượng thực phẩm dị ứng bạn đã nạp vào và ngăn chặn sốc phản vệ.

Lưu ý, cách này chỉ áp dụng cho những trường hợp vừa ăn xong đã bị dị ứng. Còn với những trường hợp dị ứng chậm, triệu chứng ủ vài ngày mới phát sẽ không phù hợp, do thức ăn đã được tiêu hóa hết.

2. Dùng thuốc

Trên thực tế, dị ứng thực phẩm không có thuốc đặc trị hay phòng ngừa. Trong trường hợp phản ứng dị ứng phát sinh quá mức, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn biến chứng sốc phản vệ.

Dùng thuốc kháng histamine nhằm kiểm soát dị ứng và cải thiện triệu chứng

Các loại thuốc dị ứng thực phẩm thường dùng như:

  • Thuốc kháng histamin: Được điều chế dưới dạng viên nén, gel hoặc chất lỏng. Dùng được cho những trường hợp dị ứng thực phẩm mức độ nhẹ và trung bình. Thuốc có tác dụng ngăn chặn hệ miễn dịch sản sinh histamine và giảm thiểu sự tác động của chúng đến sức khỏe. 2 loại thường dùng là Chlorpheniramine và Loratadine.
  • Epinephrine (Adrenaline): Chỉ được áp dụng cho những trường hợp dị ứng thực phẩm bị sốc phản vệ. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm, giúp làm tăng huyết áp bằng cách kích thích co thắt các mạch máu, làm giãn đường thở và bảo toàn hô hấp, tính mạng cho bệnh nhân. Nếu bạn có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nên mang theo sẵn máy tiêm epinipherine tự động để phòng hờ trường hợp ngoài ý muốn.
  • Các loại thuốc khác:
    • Thuốc chống xung huyết: Với những triệu chứng dị ứng về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng sau khi dung nạp thực phẩm, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống xung huyết dưới dạng khí dung nhằm kích thích co mạch và cải thiện triệu chứng. Thường dùng nhất là Pseudoephedrine bà Phenyllephrine.
    • Kem bôi chứa Menthol: Để giảm cảm giác ngứa ngáy, nóng rát trên da do dị ứng thực phẩm, bạn có thể kết hợp sử dụng các loại kem bôi ngoài da chứa Menthol để cải thiện. Liều dùng khuyến cáo từ 2 - 4 lần/ ngày.

Lưu ý: Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc với liều dùng phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn dùng thuốc để đạt hiệu quả cao và tránh gây tác dụng phụ.

3. Liệu pháp miễn dịch đường uống 

Theo nghiên cứu mới đây, liệu pháp miễn dịch đường uống là phương pháp mới được đưa vào thử nghiệm và áp dụng nhằm kiểm soát phản ứng dị ứng thực phẩm. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách đưa vào cơ thể một lượng chất dị ứng ngày càng tăng nhằm tăng cao ngưỡng chịu đựng gây ra dị ứng.

Tuy nhiên, hạn chế của liệu pháp này là kết quả chưa rõ ràng. Ngoài ra, không phải loại thực phẩm nào cũng có thể áp dụng được liệu pháp này. Hiện nay, y học chỉ ghi nhận phương pháp điều trị dị ứng đậu phộng (Palforzia).

Phòng ngừa

Không nên để phản ứng dị ứng xảy ra rồi mới xử lý. Thay vào đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa để duy trì sức khỏe và đời sống ổn định.

Tránh sử dụng các loại thực phẩm dị ứng là cách đơn giản nhất phòng ngừa dị ứng thực phẩm

  • Loại bỏ thực phẩm dị ứng ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Tránh sử dụng dù là lượng nhỏ nhất.
  • Thay thế các loại thực phẩm dị ứng bằng các nhóm thực phẩm khác có nguồn dinh dưỡng tương đương để tránh gây mất cân bằng, ảnh hưởng sức khỏe.
  • Luôn đọc kỹ thành phần thực phẩm trên bao bì để tránh sử dụng thực phẩm chứa chất dị ứng.
  • Khi ăn uống ở nhà hàng, quán ăn hãy thông báo cho người chế biến về việc bạn không thể ăn một loại thực phẩm nào đó và yêu cầu loại bỏ chúng khỏi khẩu phần.
  • Đối với trẻ nhỏ, hãy thông báo tình trạng dị ứng của con đến người chăm sóc như người giữ trẻ, giáo viên để chú ý hơn trong việc cho trẻ ăn và quan sát để kịp thời xử lý khi có bất thường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi lại bị dị ứng thức ăn?

2. Những loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao?

3. Làm cách nào để tôi xác định được loại thực phẩm gây dị ứng?

4. Tình trạng dị ứng của tôi có nguy hiểm không? Nó ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe, cuộc sống của tôi?

5. Bệnh của tôi cần được điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Bị dị ứng thực phẩm có điều trị khỏi dứt điểm được không?

7. Uống thuốc chống dị ứng kéo dài có gây tác dụng phụ không?

8. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị dị ứng thực phẩm?

9. Nếu bị dị ứng đến mức sốc phản vệ, tôi cần phải xử lý như thế nào?

10. Chế độ dinh dưỡng của tôi có bị ảnh hưởng bởi việc dị ứng thực phẩm không?

Dị ứng thực phẩm tuy không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh. Để phòng tránh những rủi ro khó lường, không nên tự ý điều trị tại nhà, tốt nhất nên thăm khám để được chẩn đoán phương pháp điều trị phù hợp và điều chỉnh thực đơn ăn uống phù hợp, ngăn ngừa tái phát.

Ngày đăng 11:57 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 12:02 - 15/06/2023
Chia sẻ:
Hội chứng nôn chu kỳ
Hội chứng nôn chu kỳ là tình trạng khá hiếm gặp, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Bệnh lý này gây ra các đợt buồn nôn và nôn…
Bệnh U Gan
U gan là một trong những bệnh lý phổ biến…
Viêm hang vị dạ dày Bệnh Viêm Hang Vị Dạ Dày
Viêm hang vị dạ dày là bệnh về đường tiêu…
Bệnh Sán Lá Gan
Sán lá gan là bệnh lý phổ biến thuộc nhóm…
Bệnh Viêm tụy tự miễn

Viêm tụy tự miễn là một dạng bệnh rối loạn tự miễn hiếm gặp. Người mắc phải bệnh lý này…

Bệnh Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa được mô tả là tình trạng bất ổn về hoạt động tiêu hóa do nhiều nguyên…

Bệnh đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày là vấn đề tiêu hóa nhiều người gặp phải. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân.…

Bệnh Viêm Ruột Do Virus

Viêm ruột do virus là bệnh lý viêm đường tiêu hóa phổ biến, có tỷ lệ mắc cao bên cạnh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua