Bệnh Chàm (Eczema)

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thu Hiền – Khoa Thần kinhBác sĩ điều trị – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Chàm (Eczema) là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến, có tỷ lệ mắc cao ở cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh đặc trưng với những triệu chứng ngoài da, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí biến chứng bội nhiễm nếu không điều trị kịp thời. Có rất nhiều cách để kiểm soát bệnh chàm, nhưng trước hết người bệnh cần thăm khám chuyên khoa để chẩn đoán và áp dụng phương pháp phù hợp nhất.

Tổng quan

Bệnh chàm (tên tiếng Anh là Eczema) là tình trạng lớp nông của da bị viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính. Theo các tài liệu y học, chàm là thuật ngữ được dùng để chỉ chung nhiều bệnh lý da liễu tương đồng về triệu chứng là kích ứng, viêm da gây ngứa ngáy. Bao gồm các dạng bệnh phổ biến như:

Chàm Eczema
Chàm (Eczema) là thuật ngữ được chỉ các bệnh viêm da do kích ứng gây ngứa ngáy

  • Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis)
  • Viêm da tiếp xúc (Contact Ezema)
  • Viêm da thần kinh (Neurodermatitis)
  • Bệnh tổ đỉa (Dyshidrotic Eczema)
  • Bệnh chàm đồng tiền (Nummular Eczema)
  • Bệnh chàm do ứ đọng (Stasis Dermatitis)
  • Bệnh chàm bàn tay (Hand Eczema)
  • Viêm da dầu/viêm da tiết bã (Seborrheic dermatitis)
  • ...

Trong tất cả các thể bệnh chàm kể trên, thể viêm da cơ địa là bệnh phổ biến nhất, chiếm phần lớn trong tổng số các ca mắc. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người thường nhầm lẫn về khái niệm giữa bệnh chàm Eczema và viêm da cơ địa là một.

Bệnh chàm (Eczema) là không phải bệnh truyền nhiễm. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính, cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành. Mỗi đối tượng mắc bệnh sẽ có các đặc trưng về vị trí và triệu chứng nhất định.

Phân loại

Như đã nhắc đến, bệnh chàm có rất nhiều loại, được phân chia dựa vào vị trí và tính chất, triệu chứng bệnh.

Chàm Eczema
Viêm da cơ địa là thể bệnh chàm phổ biến nhất ở cả trẻ em và người trưởng thành

  • Viêm da cơ địa: Đây là thể chàm phổ biến nhất, là một dạng viêm da mạn tính tái phát và có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền, môi trường và cơ chế rối loạn chức năng miễn dịch, biểu bì bên trong cơ thể. Triệu chứng đặc trưng là ngứa, đỏ da, phát ban, lichen hóa dày da...
  • Viêm da tiếp xúc: Bệnh xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với các chất kích ứng hoặc kích hoạt phản ứng dị ứng của cơ thể. Có 2 dạng viêm da tiếp xúc gồm:
    • Viêm da kích ứng: có liên quan mật thiết với bệnh viêm da dị ứng, phát bệnh do tiếp xúc với sản phẩm chứa hóa chất mạnh như xà phòng, sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm chăm sóc da, đồ trang sức niken, xi măng, các loại dung môi...;
    • Viêm da dị ứng bùng phát: xảy ra khi da tiếp xúc với các dị nguyên như kim loại, niken, chất tẩy rửa, chất bảo quản, nước hoa, cao su...;
  • Viêm da thần kinh: Dạng chàm này xảy ra do da khô quá mức hoặc xuất hiện đồng thời với các dạng khác như viêm da cơ địa hoặc viêm da tiếp xúc. Các rối loạn về sức khỏe tâm thần cũng có thể khởi phát viêm da thần kinh. Triệu chứng đặc trưng là hình thành các mảng da đỏ ở tay, chân hoặc gáy, gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Chàm tổ đỉa: Bệnh đặc trưng với các nốt mụn nước mọc li ti ở các kẽ ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, bàn chân..., kèm theo ngứa ngáy râm ran nhưng dai dẳng. Tổ đỉa thường xảy ra do cơ chế tiết nhiều mồ hôi hoặc da tiếp xúc với các chất kích ứng.
  • Chàm đồng tiền: Đặc trưng với các mụn nước hình tròn hoặc oval, chúng tập trung thành từng đám và gây ngứa. Bệnh xảy ra chủ yếu do có liên quan đến sự suy giảm chức năng lớp màng tự nhiên bảo vệ da, những người nghiện rượu mạn tính, bị côn trùng cắn, có tổn thương, vết xước, bị bỏng hoặc ảnh hưởng từ các thể bệnh chàm khác.
  • Chàm bàn tay: Các tổn thương và triệu chứng của thể bệnh này chỉ xuất hiện giới hạn ở bàn tay. Đặc trưng triệu chứng lâm sàng là các dát da đỏ, nổi mụn nước, da phù nề, dày sừng da, gây nứt kẽ... Tùy theo thời gian phát bệnh để phân loại cấp tính hoặc mạn tính. Những người làm công việc phải tiếp xúc với hóa chất nhiều thường có nguy cơ cao mắc bệnh này.
  • Chàm nhiễm khuẩn: Được gây ra do yếu tố nhiễm khuẩn, với các loại như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... Trong đó, chàm do nấm bàn chân là loại phổ biến nhất. Triệu chứng lâm sàng của chàm nhiễm khuẩn là các dát da đỏ, sẩn, phát ban, mọc mụn nước...
  • Chàm ứ đọng, ứ nước: Triệu chứng viêm da ứ đọng, ứ nước thường xuất hiện ở cẳng chân. Liên quan đến yếu tố tuần hoàn máu kém hoặc lối sống kém khoa học, lười vận động, thừa cân béo phì...
  • Viêm da tiết bã nhờn: Thường xảy ra ở vùng đầu, xảy ra do nấm men Malssezia tăng sinh bất thường. Ngoài ra, các vấn đề tổn thương da khác như mụn trứng cá, vảy nến... cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh phổ biến.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiện nay, vẫn chưa có bất  kỳ bằng chứng khoa học cụ thể nào cho biết rõ ràng về nguyên nhân gây bệnh chàm. Nhưng về cơ bản, các nhà khoa học đã phát hiện có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thể bệnh chàm như:

1. Yếu tố cơ địa

  • Yếu tố di truyền: Xảy ra ở những trường hợp di truyền gen bệnh từ thế hệ trước, đó có thể là bệnh hen suyễn hoặc các bệnh dị ứng nói chung. Một thống kê mới đây cho thấy, khoảng 20 - 30% trường hợp bệnh chàm viêm da cơ địa
  • Thiếu hụt hormone filaggrin: Đây là một loại protein tham gia vào quá trình cấu tạo và duy trì chức năng hàng rào bảo vệ da. Khi thiếu hụt chất này, chức năng hàng rào thượng bì bị rối loạn khiến da khô và ngứa ngáy, tăng nguy cơ mắc các thể chàm phổ biến.
  • Phản ứng dị ứng quá mức: Cơ địa dị ứng bẩm sinh là yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh. Đây là hệ quả của phản ứng dị ứng quá mức của cơ thể khi tiếp xúc với các tác nhân từ môi trường bên ngoài và được cơ thể ghi nhận là chất kích ứng.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Có nhiều tài liệu khoa học ghi nhận các bệnh lý có liên quan đến bệnh chàm như: suy giảm chức năng gan, thận, viêm xoang, rối loạn thần kinh vận mạch, viêm đại tràng, viêm tai xương chũm, các bệnh đường tiêu hóa...

2. Các dị ứng nguyên từ môi trường

Chàm Eczema
Tiếp xúc với trang sức làm từ vật liệu niken gây dị ứng kích hoạt phản ứng dị ứng gây bệnh chàm

  • Các yếu tố vật lý như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mồ hôi, va đập gây xước, cào gãi...;
  • Tác dụng phụ của thuốc gây kích hoạt phản ứng dị ứng;
  • Dị ứng thực phẩm như đậu phộng, hải sản, thịt bò, sữa, nhộng tằm...;
  • Dị ứng mỹ phẩm, quần áo như son môi, kem dưỡng da, phấn sáp, thuốc nhuộm tóc, giày dép cao su, khăn len, túi nylon...;
  • Dị ứng với hóa chất trong thuốc trừ sâu, nước tẩy rửa, sơn, phân hóa học, thuốc nhuộm, xi măng, acid, kiềm...;
  • Mủ, nhựa từ các loại thực vật như cỏ hoang, cúc tần, tía tô dại, sơn, rau đay...;
  • Các chế phẩm vi sinh sống như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm...;

3. Các yếu tố nguy cơ khác

  • Người sống ở thành thị có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn người sống ở nông thôn;
  • Tâm lý căng thẳng, stress kéo dài;
  • Mắc chứng rối loạn hành vi (ADHD);
  • Da luôn ẩm ướt hoặc bị trầy xước;
  • Được thăm khám và điều trị bệnh bởi nhân viên y tế bị viêm da tay;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy theo từng thể bệnh và từng đối tượng mắc bệnh mà triệu chứng bệnh chàm sẽ có tính chất khác nhau. Nhưng về cơ bản vẫn có những biểu hiện điển hình như:

  • Ngứa ngáy dữ dội hoặc râm ran kéo dài, nhất là về đêm;
  • Da khô, dày sừng, đóng vảy và nứt kẽ;
  • Xuất hiện các mảng da đỏ, hồng hoặc xám nâu ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là da mặt và da đầu;
  • Da nhạy cảm, dễ đỏ và sưng phù khi gãi;
  • Nổi mụn nước li ti, gồ lên gây sần da, có thể tự vỡ, rỉ dịch và đóng mài;

Cụ thể về triệu chứng bệnh chàm đặc trưng ở từng độ tuổi như sau:

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Phát ban ồ ạt toàn thân, gây ngứa;
  • Nổi mụn nước;
  • Sốt, mệt mỏi, khó ngủ;
  • Nguy cơ cao nhiễm trùng da do trẻ hay cào gãi;

Chàm Eczema
Mỗi đối tượng bệnh chàm sẽ có các triệu chứng đặc trưng khác nhau

Đối với trẻ dậy thì

  • Phát ban, đỏ da ở các vị trí như cổ, mặt, tay, chân, nếp gấp khuỷa tay, giữa mông, đầu gối...;
  • Ngứa ngáy dữ dội;
  • Sau một thời gian đóng vảy và khô lại;

Đối với người trưởng thành

  • Thường phát ban ở tay, chân, mặt;
  • Các vị trí ít phổ biến hơn như ngực, bầu vú, dương vật, vùng âm đạo...;
  • Da khô, dày và bong vảy;
  • Tăng sắc tố da, khiến vùng da bị chàm sẫm màu hơn;

Bệnh chàm được chẩn đoán thông qua đánh giá số lượng và mức độ của các triệu chứng cơ bản vừa kể trên. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, quan sát và thăm hỏi tiền sử bệnh lý để đưa ra cái nhìn tổng quan về bệnh và loại trừ bệnh lý khác.

Đồng thời, yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm ra tác nhân kích ứng gây bệnh chàm. Bao gồm:

  • Test dị ứng da bằng các mẫu phẩm được khoanh vùng nghi ngờ là tác nhân gây bệnh;
  • Xét nghiệm máu để phát hiện virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng...;
  • Sinh thiết da để chẩn đoán xác định chính xác thể bệnh chàm và phân biệt với các bệnh da liễu khác;

Biến chứng và tiên lượng

Chàm Eczema là căn bệnh da liễu không quá nguy hiểm. Nhưng nếu không điều trị sớm, các triệu chứng bệnh tiến triển ngày càng nghiêm trọng khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và tính thẩm mỹ. Bệnh không có khả năng lây truyền từ người này sang người kia, nhưng lại có thể gây nhiễm trùng lây lan trên chính cơ thể người bệnh, thông qua cào gãi, chà xát.

Biến chứng bội nhiễm có thể xảy ra do:

  • Nhiễm vi khuẩn: nhiễm siêu vi khuẩn Staphylococcus aureus, vi khuẩn tụ cầu và liên cầu hình thành vết loét, chốc lở, viêm mô tế bào, đóng vảy, phồng da, ngứa ngáy kéo dài;
  • Nhiễm virus Herpes simplex (HSV): ảnh hưởng chủ yếu đến vùng kín và môi.  Đặc trưng với các cụm mụn nước lan tỏa, gây nhiễm trùng toàn thân. Chàm bội nhiễm thể này cực kỳ nguy hiểm, phát sinh các biến chứng khó lường như sốt cao, nổi hạch to và tử vong.
  • Nhiễm nấm: thường là nấm da đầu và hắc lào. Tình trạng này có thể là hậu quả của việc lạm dụng thuốc bôi steroid trong thời gian dài, gây ức chế hệ thống miễn dịch và tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Chàm Eczema
Biến chứng bội nhiễm do virus Herpes có liên quan đến bệnh chàm Eczema

Ngoài ra, mắc bệnh chàm mức độ nghiêm trọng còn có thể gây các biến chứng về bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tự miễn, bệnh về mắt (viêm kết mạc, viêm giác mạc...) hoặc rối loạn về thần kinh, bệnh tâm thần... Để phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần đến bệnh viện chuyên khoa Da liễu để thăm khám, chẩn đoán chính xác thể chàm Eczema và điều trị bằng phác đồ phù hợp.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chàm dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguy cơ này giảm dần khi trẻ sau 5 tuổi, sau khi bùng phát nặng sẽ tự thuyên giảm khi đến tuổi trưởng thành. Không có cách chữa dứt điểm hoàn toàn bệnh chàm Eczema. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, giảm nguy cơ tái phát và ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị

Phác đồ điều trị bệnh chàm được xây dựng phù hợp với từng dạng bệnh, mức độ triệu chứng và biến chứng kèm theo để đạt hiệu quả tối ưu.

1. Điều trị bằng thuốc 

Các thuốc trị bệnh chàm được áp dụng phổ biến như:

Chàm Eczema
Dùng thuốc trị chàm theo chỉ định của bác sĩ nhằm chống viêm, giảm ngứa và ngăn ngừa biến chứng

  • Thuốc kháng histamine: Có tác dụng ức chế phản ứng viêm, giảm ngứa ngáy. Các loại được dùng phổ biến như: Diphenhydramine, Loratadine, Cetirizine, Fexofenadine... Thuốc gây tác dụng phụ buồn ngủ nên hãy cân nhắc trước khi uống vào buổi sáng.
  • Thuốc kháng sinh:
    • Dạng kem bôi, thuốc mỡ chứa Corticosteroid: giúp chống viêm, giảm ngứa;
    • Dạng viên uống hoặc tiêm dành cho trường hợp nhiễm trùng nặng;
  • Thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc sinh học: Giúp ức chế phản ứng dị ứng, giảm viêm, cải thiện triệu chứng bệnh chàm và ngăn ngừa tái phát. Các loại phổ biến như: Tacrolimus và Pimecrolimus tại chỗ, Methotrexate, Azathioprine, Mycophenolate hoặc Ruxolitinib, Upadacitinib, Cyclosporin...

2. Kết hợp chăm sóc tại nhà

Tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà góp phần cải thiện bệnh và dự phòng nhiễm trùng bằng cách:

  • Đắp gạc ướt;
  • Vệ sinh da sạch sẽ bằng nước ấm;
  • Chọn sử dụng xà phòng không chứa hương liệu, chất tẩy rửa mạnh;
  • Giữ cơ thể khô thoáng, mặc quần áo phù hợp với khí hậu, rộng rãi, chất liệu thấm mồ hôi tốt;
  • Bôi kem dưỡng ẩm xoa dịu kích ứng;
  • Nghỉ ngơi, thư giãn, tập thiền, tránh stress, căng thẳng;
  • Điều chỉnh lối sống và hành vi nhằm giảm tần suất gãi ngứa;
  • Sử dụng máy điều hòa độ ẩm trong nhà để giảm các tác nhân dị ứng;

Ngoài ra, một số liệu pháp điều trị bệnh chàm hiệu quả cũng được áp dụng phổ biến như liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) bằng tia cực tím dải hẹp B. Có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch gây ra phản ứng dị ứng, phát sinh bệnh chàm.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh chàm, bạn cần lưu ý tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:

Chàm Eczema
Dưỡng ẩm da thường xuyên là cách tốt nhất giúp phòng ngừa bệnh chàm

  • Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, khô ráo, sử dụng sản phẩm chăm sóc da an toàn, lành tính;
  • Dưỡng ẩm da, tránh để da khô;
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như hóa chất, bụi bẩn, dung môi mạnh, chất liệu vải bố...;
  • Kiểm soát căng thẳng, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, thư giãn...;
  • Ăn uống khoa học, tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng;
  • Tắm nắng giúp tăng sinh vitamin D, giảm phát sinh phản ứng dị ứng sưng viêm;
  • Duy trì nhiệt độ phòng ngủ thích hợp, sử dụng máy tạo độ ẩm không khí;
  • Đeo dụng cụ bảo hộ khi phải tiếp xúc với các chất dị ứng;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị bệnh chàm Eczema?

2. Thể bệnh chàm tôi mắc phải là gì?

3. Cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh chính xác?

4. Bệnh chàm có nguy hiểm không? Tiên lượng đối với tình trạng bệnh của tôi?

5. Phương pháp điều trị bệnh chàm tốt nhất dành cho tôi?

6. Những lợi ích và rủi ro về phác đồ điều trị?

7. Tôi cần chú ý những gì về chế độ sinh hoạt và ăn uống trong quá trình điều trị bệnh chàm?

8. Bị chàm có chữa khỏi dứt điểm được không?

9. Bệnh chàm Eczema có lây không?

Bệnh chàm (Eczema) là căn bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Do đó, hãy nắm vững các kiến thức về chăm sóc, điều trị cơ bản và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Khuyến khích thăm khám định kỳ để tầm soát phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh để kịp thời xử lý, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm trong tương lai.