Bệnh Bướu Cổ

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Bướu cổ là một dạng tổn thương tuyến giáp, xảy ra khi tuyến này phát triển lớn hơn bình thường. Thường có hoặc không có kèm theo dấu hiệu rối loạn hormone tuyến giáp tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Tiên lượng điều trị bướu cổ thường tốt đối với các loại bướu lành, không độc và có thể điều trị loại bỏ được bằng các biện pháp y tế nội khoa hoặc ngoại khoa. 

Tổng quan

Tuyến giáp là tuyến nội tiết có kích thước nhỏ hình bướm nằm trong cổ. Tuyến này có nhiệm vụ tổng hợp và sản sinh hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). 2 loại hormone này đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng, tham gia vào quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, điều hòa nhịp tim, mạch, kiểm soát thân nhiệt và trạng thái cảm xúc.

Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp bị phì đại kích thước lớn hơn bình thường

Bướu cổ (Goiter) là hậu quả của tình trạng tuyến giáp phát triển bất thường. Có 2 trường hợp, một là do toàn bộ tuyến giáp phát triển lớn và hai là do phát triển một hoặc nhiều nốt tuyến giáp. Tình trạng thường liên quan đến lượng hormone do tuyến giáp tạo ra quá nhiều (cường giáp), quá ít (suy giáp) hoặc lượng hormone bình thường (bình giáp).

Căn bệnh này do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do thiếu iot. Bệnh có tỷ lệ mắc phổ biến trên toàn thế giới, khoảng 2,2 tỷ người. Mức độ thiếu iot càng nhiều, tỷ lệ mắc bướu cổ càng cao. Hầu hết các trường hợp bướu cổ đơn thuần đều không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu bướu cổ liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp khác sẽ nguy hiểm hơn, cần can thiệp điều trị y tế bằng phương pháp phù hợp.

Phân loại

Bướu cổ được phân chia làm nhiều loại khác nhau gồm:

Bệnh bướu cổ được phân loại thành nhiều dạng như bướu cổ lan tỏa, bướu cổ nốt tuyến giáp hoặc bướu giáp đa nhân

# Phân loại dựa theo mức độ lan rộng và tính chất của khối bướu cổ:

  • Bướu cổ lan tỏa (thể đơn thuần): Đây là dạng bướu cổ phổ biến nhất. Xảy ra khi toàn bộ tuyến giáp sưng to lên và có cảm giác nhẵn khi sờ vào.
  • Bướu cổ thể nốt: Đặc trưng của thể bướu cổ này là xuất hiện một khối cứng hoặc mềm do chứa chất dịch lỏng. Chúng được gọi là các nốt sần tuyến giáp, hình ảnh lâm sàng thấy tuyến giáp sần lên rất rõ.
  • Bướu giáp đa nhân: Dạng bướu cổ này đặc trưng với vô số các nốt sần (khối u) trong tuyến giáp. Tổn thương này có thể được phát hiện thông qua các chẩn đoán hình ảnh lâm sàng.

# Dựa theo nồng độ hormone do tuyến giáp sản sinh:

  • Bướu cổ không độc: Bệnh nhân được chẩn đoán phì đại tuyến giáp nhưng xét nghiệm đo nồng độ hormone cho thấy không có bất thường. Trường hợp này được gọi là bướu cổ không độc và đồng nghĩa với việc bệnh nhân không mắc bệnh cường giáp hay suy giáp.
  • Bướu cổ độc hại: Khối bướu cổ tuyến giáp này là hậu quả của việc tuyến giáp phát triển to ra và sản xuất lượng lớn hormone gây dư thừa.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Bệnh bướu cổ rất phổ biến, được gây ra do các nguyên nhân chính sau:

Thiếu i ốt là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh bướu cổ

  • Thiếu i ốt: I ốt là hoạt chất quan trọng cho tuyến giáp, tham gia vào quá trình sản xuất hormone. I ốt thường được bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Nhưng nếu thiếu i ốt, tuyến giáp sẽ phát triển thêm các tế bào để sản xuất hormone nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Do đó, thiếu i ốt kéo dài sẽ gây ra bướu cổ. Vấn đề thiếu i ốt thường xảy ra ở những quốc gia kém hoặc đang phát triển.
  • Mang thaiPhụ nữ mang thai thường có nồng độ hCG (human chorionic gonadotropin) cao. Quá trình sản xuất hCG vô tình kích thích tuyến giáp bị phì đại nhưng không làm ảnh hưởng đến lượng hormone tuyến giáp. Tình trạng này sẽ tự thuyên giảm và cải thiện sau khi sinh con.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý tuyến giápMột số bệnh lý tuyến giáp gây sưng tuyến giáp và rối loạn hoạt động sản xuất hormone. Chẳng hạn như:
    • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Là bệnh lý viêm tuyến giáp tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào trong tuyến giáp. Tổn thương này khiến tuyến giáp sưng to nhưng không quá nguy hiểm. Bệnh có thể tự khỏi theo thời gian hoặc can thiệp điều trị bằng liệu pháp tiêm hormone tuyến giáp.
    • Bệnh Graves: Đây cũng là bệnh lý tuyến giáp tự miễn dịch với cơ chế tương tự như bệnh Hashimoto. Bệnh thường nghiêm trọng và kèm theo dấu hiệu cường giáp, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị kịp thời.
    • Ung thư tuyến giáp: Là bệnh lý ung thư nguy hiểm do các tế bào tuyến giáp đột biến và chuyển hóa thành tế bào ác tính. Bệnh lý này khiến tuyến giáp tổn thương, phì đại và gây rối loạn hoạt động sản xuất hormone. Điều trị ung thư cần được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn biến chứng di căn, duy trì sự sống.

Yếu tố nguy cơ 

Một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây bướu cổ như:

  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới;
  • Tuổi tác cao tăng tỷ lệ mắc bướu cổ (thường > 40 tuổi);
  • Người thừa cân béo phì;
  • Mắc hội chứng chuyển hóa;
  • Tình trạng kháng insulin;
  • Tiếp xúc với bức xạ công nghiệp hoặc bức xạ trong điều trị ung thư;
  • Tiến sử gia đình có người đã từng hoặc đang mắc bệnh tuyến giáp;
  • Bướu cổ vô căn hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc (chẳng hạn như lithium);

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng bướu cổ nhiều hay ít, nặng hay nhẹ phụ thuộc vào kích thước phì đại của tuyến giáp, có nhiễm trùng hay không và dạng bướu độc hoặc bướu lành... Cụ thể một số triệu chứng đặc trưng của bướu cổ như:

Bướu cổ xuất hiện ở phía trước cổ gây khó chịu, căng tức cổ họng cùng nhiều triệu chứng lâm sàng khác

  • Xuất hiện khối u ngay trước cổ;
  • Có cảm giác căng tức, khó chịu vùng cổ họng;
  • Giọng khàn đặc, khó nuốt;
  • Khó thở, thở gấp, khò khè, dễ bị hụt hơi, thường vào ban đêm;
  • Ho khan;
  • Sưng tĩnh mạch cổ;
  • Chóng mặt khi đưa tay cao qua đầu;
  • Khó chịu khi quấn khăn quàng cổ hay mặc áo cổ lọ;

Ngoài các triệu chứng chung kể trên, bệnh nhân bướu cổ cũng có thể phát triển bệnh cường giáp hoặc suy giáp, đặc trưng với các triệu chứng như:

Triệu chứng cường giáp

  • Tiêu chảy;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh bất thường;
  • Vã mồ hôi;
  • Dễ bị kích động;
  • Run tay;
  • Yếu cơ;
  • Có cảm giác nóng;

Triệu chứng suy giáp

  • Táo bón;
  • Mệt mỏi;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân;
  • Thường xuyên mệt mỏi;
  • Rối loạn kinh nguyệt;
  • Nhịp tim chậm;
  • Có cảm giác lạnh;
  • Tê ngứa ran cánh tay, bàn tay;
  • Da khô;
  • Trầm cảm;

Chẩn đoán 

Bệnh bướu cổ có thể được chẩn đoán thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên và kết hợp một số xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu như:

Xét nghiệm máu tuyến giáp và đo nồng độ kháng thể giúp đánh giá mức độ tổn thương tuyến giáp nhằm chẩn đoán bướu cổ

  • Khám sức khỏe: Thu thập các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình. Kết hợp khám thực thể bằng cách sờ nắn và quan sát để đánh giá tuyến giáp có bị to ra hay không, phát hiện các nốt sần gồ lên, cảm giác đau nhức...
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được hướng dẫn thu thập mẫu máu để xét nghiệm chẩn đoán bướu cổ thông qua các kỹ thuật sau:
    • Xét nghiệm đo lường hormone: Xét nghiệm máu nhằm đo lường hormone tuyến giáp nhằm đánh giá chức năng hoạt động của tuyến giáp có bình thường hay không, qua đó chẩn đoán bướu cổ.
    • Xét nghiệm kháng thể: Kháng thể là một loại protein được các tế bào bạch cầu tạo ra, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Nếu tuyến giáp có tổn thương, kết quả xét nghiệm máu giúp phát hiện các loại kháng thể được cơ thể tạo ra nhằm chống lại tác nhân gây bướu cổ.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho phép quan sát chi tiết tuyến giáp và phát hiện tổn thương, các nốt sần bướu cổ, kiểm tra kích thước. Gồm các kỹ thuật như:
    • Siêu âm tuyến giáp;
    • Chụp tuyến giáp kết hợp chất phóng xạ tiêm tĩnh mạch;
    • Chụp CT scan hoặc chụp MRI tuyến giáp;
  • Sinh thiết: Một số trường hợp phát hiện khối u tuyến giáp lớn, kèm theo các nốt sần bất thường sẽ được chỉ định làm sinh thiết. Kết quả sinh thiết cho phép loại trừ ung thư và chẩn đoán dạng bướu cổ.

Biến chứng và tiên lượng

Bướu cổ thực chất là sự phì đại bất thường của tuyến giáp và có hoặc không kèm theo rối loạn hoạt động sản xuất hormone. Trường hợp bướu cổ được chẩn đoán không độc hoặc đa nhân, chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, không ảnh hưởng đến lượng hormone tuyến giáp thường tự khỏi và không nhất thiết phải điều trị.

Một số trường hợp sẽ được bác sĩ hướng dẫn thực hiện một số biện pháp chăm sóc sức khỏe, cải thiện triệu chứng để giảm thiểu sự ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe, ngoại hình của bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bướu đa nhân có liên quan đến lượng hormone thường có nguy cơ khởi phát bệnh cường giáp hoặc suy giáp trong tương lai.

Tiên lượng bướu cổ phụ thuộc vào từng thể bệnh và nguyên nhân gây ra

Còn những trường hợp bướu cổ gây phì đại tuyến giáp nặng, gây rối loạn nồng độ hormone nghiêm trọng được khuyến cáo can thiệp điều trị y tế càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng bướu cổ thường gặp như:

  • Nhiễm độc tuyến giáp;
  • Lồi mắt ác tính, thậm chí mù mắt vĩnh viễn;
  • Các vấn đề suy giảm chức năng tim mạch;
  • Rối loạn hoạt động sản xuất hormone của các tuyến nội tiết khác như tuyến sinh dục, tuyến yên, tuyến thượng thận...;

Tuy nhiên, bệnh nhân bướu cổ không cần quá lo lắng vì hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có tiên lượng tốt. Còn một số ít bệnh nhân bị bướu cổ là dấu hiệu của các bệnh lý như Graves hoặc Hashimoto, tiên lượng còn phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ phì đại tuyến giáp.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Việc điều trị thường chỉ áp dụng cho những trường hợp nồng độ hormone tuyến giáp tăng cao hoặc giảm thấp bất thường, kèm theo biến chứng.

Một số biện pháp điều trị bướu cổ phổ biến gồm:

Liệu pháp hormone thay thế 

Tùy theo nguyên nhân gây bướu cổ là do cường giáp hoặc tuyến giáp mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng toa thuốc thuốc phù hợp.

Dùng thuốc hormone thay thế giúp cải thiện các triệu chứng bướu cổ liên quan đến cường giáp hoặc suy giáp

  • Bướu cường giáp: Levothyroxine với các biệt dược phổ biến như Levothroid®, Synthroid®;
  • Bướu suy giáp: Loại thuốc thường dùng là Methimazole (Tapazole®) và Propylthiouracil;

Trường hợp bướu cổ kèm theo viêm sẽ được chỉ định dùng kết hợp với thuốc aspirin hoặc corticosteroid giúp cải thiện triệu chứng.

Liệu pháp i ốt phóng xạ

Trường hợp bướu cổ đặc trưng với sự tăng sinh hormone tuyến giáp quá mức sẽ được chỉ định dùng thuốc i ốt phóng xạ. Loại thuốc này khi vào cơ thể sẽ đi theo dòng máu, tấn công đến tuyến giáp và tiêu diệt các tế bào tại đây nhằm thu nhỏ kích thước tuyến giáp. Biện pháp đem lại hiệu quả tốt nhưng bệnh nhân phải sử dụng thuốc nội tiết tố suốt cả quãng đời còn lại.

Phẫu thuật

Bệnh nhân bướu cổ khiến tuyến giáp phì đại, sưng to quá mức gây khó chịu, chèn ép đường thở và có bất thường trong hoạt động sản xuất hormone, có nguy cơ tiến triển thành ung thư và không đáp ứng điều trị nội khoa sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.

Phẫu thuật bướu cổ có thể chỉ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tùy theo mức độ tổn thương và kết hợp nạo hạch cổ hai bên. Đây cũng là phương pháp chính trong điều trị bệnh ung thư tuyến giáp. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc nội tiết tố trong suốt quãng đời còn lại nhằm thay thế và duy trì các chức năng cơ bản của hormone tuyến giáp tự nhiên.

Phẫu thuật cắt bỏ bướu cổ được chỉ định cho những trường hợp có biến chứng và không đáp ứng điều trị nội khoa

Cần cân nhắc và theo dõi một số biến chứng sau phẫu thuật bướu cổ để xử lý kịp thời như:

  • Xuất huyết
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Tụt canxi huyết
  • Khó thở
  • Xẹp khí quản
  • Co quắp bàn tay, ngón tay
  • Thiểu năng tuyến giáp

Chống chỉ định phẫu thuật bướu cổ trong những trường hợp sau:

  • Thể bướu cổ lan tỏa không nghiêm trọng;
  • Các loại bướu giáp sinh lý do viêm tuyến giáp giả;
  • Bệnh nhân Basedow đang điều trị nội khoa hoặc các chất i ốt đồng vị phóng xạ, trong giai đoạn chưa ổn định... Nếu phẫu thuật trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ biến chứng cơn bão giáp trạng và tử vong cao;
  • Bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn di căn;

Phòng ngừa

Bướu cổ không quá nguy hiểm, tuy nhiên vẫn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc bảo vệ tuyến giáp để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Chế độ ăn uống bổ sung đủ i ốt giúp bạn phòng ngừa hiệu quả bệnh bướu cổ

  • Bổ sung i ốt đúng cách và đúng liều lượng, thông qua các loại thực phẩm như thủy hải sản, nước mắm, muối biển, rau xanh, trái cây có màu đậm...
  • Duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, tránh thức khuya.
  • Tập luyện thể dục hàng ngày nâng cao thể trạng và tăng cường miễn dịch chống lại các tác nhân có hại.
  • Bổ sung thực phẩm chức năng cung cấp nguồn i ốt cần thiết cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tổng quát và tầm soát các bệnh lý phổ biến như bướu cổ, cường giáp, suy giáp, tiểu đường, huyết áp...

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sưng phù cổ là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh bướu cổ?

3. Tôi bị bướu cổ lành hay ác tính?

4. Tiên lượng mức độ nghiêm trọng của bệnh đối với trường hợp của tôi?

5. Tôi nên thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bướu cổ?

6. Tôi nên điều trị bướu cổ bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Trường hợp bướu cổ của tôi có nên phẫu thuật không?

8. Rủi ro và lợi ích liên quan đến phẫu thuật cắt bỏ bướu cổ?

9. Chi phí phẫu thuật bướu cổ bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

10. Bướu cổ có tái phát sau điều trị không?

Phần lớn các trường hợp bướu cổ đều không quá nghiêm trọng, tiên lượng cao nhờ đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị y tế. Khuyến cáo bệnh nhân bướu cổ cần phải tuân thủ các chỉ định điều trị và chăm sóc tích cực của bác sĩ để chữa khỏi bệnh, phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khó lường.

Ngày đăng 13:39 - 13/04/2023 - Cập nhật lúc: 13:40 - 13/04/2023
Chia sẻ:
Biến chứng do hội chứng cushing Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing được mô tả là tình trạng cơ thể dư thừa hormone cortisol trong thời gian dài. Điều này có thể do cơ thể tự tạo ra hoặc…
Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng hay xảy ra…
Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát)
Bệnh Addison là bệnh lý khá hiếm gặp. Xảy ra…
Bệnh U Tuyến Yên
U tuyến yên là khối u lành tính (không phải…
Bệnh Hạ Canxi Máu

Hạ canxi máu xảy ra khi mức canxi trong máu giảm quá thấp. Tình trạng này có liên quan đến…

Hội chứng Waterhouse-Friderichsen

Hội chứng Waterhouse-Friderichsen là bệnh lý nhiễm trùng hiếm gặp gây tổn thương các mạch máu ở tuyến thượng thận…

Bệnh Cường Kinh

Cường kinh là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở nữ giới, phổ biến không kém chứng…

Giãn Ống Dẫn Sữa

Giãn ống dẫn sữa là mối lo ngại của không ít chị em phụ nữ bước vào độ tuổi mãn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua