Bong võng mạc

Bong võng mạc là bệnh lý về mắt nguy hiểm, có thể gây mù lòa vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Võng mạc bị bong cần được can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt bằng phương pháp laser, áp lạnh hoặc cắt dịch kính. Nếu được điều trị sớm và chăm sóc tích cực, bệnh nhân sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và phục hồi thị lực. 

Bong võng mạc xảy ra khi võng mạc bị tách ra khỏi lớp mô nâng đỡ bên dưới

Tổng quan

Bong võng mạc (Retinal Detachment) là tình trạng lớp võng mạc mắt bị tách khỏi phần mô nâng đỡ bên dưới (biểu mô sắc tố võng mạc). Đây là vấn đề bệnh lý về mắt khá nghiêm trọng, do vết rách hoặc hình thành lỗ trên võng mạc, tạo điều kiện cho chất lỏng thấm vào bên dưới và tách võng mạc khỏi lớp mô mỏng sau mắt.

Võng mạc bị bong ra khỏi các tế bào mạch máu gây cắt đứt nguồn cung cấp oxy và dưỡng chất để nuôi dưỡng. Tình trạng này nếu kéo dài và không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Nghiêm trọng nhất là mất thị lực vĩnh viễn, chỉ đứng sau bệnh đục thủy tinh thể về nguy cơ gây mù lòa.

Phân loại

Bong võng mạc được chia làm 3 dạng chính dựa vào cơ chế bệnh sinh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bao gồm:

Bong võng mạc hình thoi là dạng phổ biến nhất do võng mạc bị rách hoặc có lỗ

  • Bong võng mạc hình thoi (Rhegmatogenous): Đây là dạng bong võng mạc phổ biến nhất, xảy ra khi xuất hiện một hoặc nhiều vết rách, lỗ trên bề mặt võng mạc. Điều này cho phép chất dịch lỏng thấm xuống dưới và tách võng mạc khỏi các mô.
  • Bong võng mạc do lực kéo (Tractional): Dạng bong võng mạc này xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các mô sẹo và mô dày trên bề mặt võng mạc. Chúng phát triển ngày càng lớn và kéo tách lớp võng mạc ra khỏi lớp mô bên dưới.
  • Bong võng mạc xuất tiết (Exudative): Xảy ra khi chất dịch lỏng hoặc máu chảy thấm qua võng mạc và tách nó khỏi lớp mô. Tình trạng này cũng có thể là biến chứng của một số bệnh lý về mắt khác như khối u mắt, thoái hóa điểm vàng hoặc huyết áp cao.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bong võng mạc có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, bao gồm:

Lão hóa khiến thủy tinh thể teo lại, hình thành lỗ nhỏ hoặc vết rách dẫn đến bong võng mạc

  • Thoái hóa mạng tinh thể ở những người bị cận thị nặng;
  • Lão hóa khiến thủy tinh thể hóa lỏng và tách khỏi võng mạc, tăng nguy cơ gây bong võng mạc;
  • Chấn thương vùng đầu hoặc tổn thương mắt do tai nạn, té ngã, vật nhọn đâm vào mắt...;
  • Tiền sử phẫu thuật mắt (chẳng hạn như phẫu thuật đục thủy tinh thể);
  • Ảnh hưởng bởi các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, khối u trong mắt, thoái hóa điểm vàng, bệnh hồng cầu hình liềm;
  • Yếu tố di truyền, gia đình có tiền sử nhiều người mắc bệnh bong võng mạc;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Dù bong võng mạc do nguyên nhân nào gây ra, các triệu chứng khi phát sinh đều tương đối giống nhau. Có thể kể đến một số triệu chứng điển hình như:

Mắt của bệnh nhân bị bong võng mạc thường xuất hiện những vệt mờ, trôi nổi trong tầm nhìn

  • Nhìn thấy những tia sáng lóe lên đột ngột hoặc các vật thể bay lơ lửng trong tầm mắt;
  • Giảm tầm nhìn ngoại vi (tầm nhìn hai bên);
  • Suy giảm thị lực đột ngột, có thể kèm theo chảy máu vào trong dịch kính;
  • Bong võng mạc thường không gây đau nhức;

Chẩn đoán

Khám mắt toàn diện là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng giúp kiểm tra toàn bộ mắt, phát hiện các tổn thương bất thường. Được thực hiện bằng cách nhỏ thuốc nhỏ mắt để làm giãn đồng tử. Đợi vài phút để tiến hành xem xét và đánh giá đồng tử.

Sau đó, tùy theo dạng và mức độ tổn thương hoặc chưa thể tìm ra nguyên nhân gây suy giảm thị lực, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện chụp cắt lớp mạch lạc quang học (OCT). Đầu tiên nhỏ thuốc nhỏ mắt, sau đó ngồi vào máy chụp OCT để máy quét qua mắt. Nhiều trường hợp cần kết hợp với siêu âm để xác định loại và mức độ tách rời của võng mạc có nghiêm trọng hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Võng mạc nằm trên lớp màng mạch, chính lớp màng này chịu trách nhiệm nuôi dưỡng võng mạc. Võng mạc khỏe mạnh có nhiệm vụ cảm nhận ánh sáng và truyền tín hiệu đến não để chúng ta có thể nhìn thấy và xử lý các thông tin liên quan. Tuy nhiên, khi võng mạc bị bong ra, thị lực và tầm nhìn của bạn sẽ mờ dần, thậm chí gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Một người có thể bị bong võng mạc nhiều lần với nhiều mức độ khác nhau. Do đó, cần chủ động thăm khám, chẩn đoán chính xác mức độ bệnh để được chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Đa số các trường hợp bong võng mạc đều có tiên lượng tốt, phục hồi thị lực nhanh chóng nếu được điều trị tích cực.

Điều trị

Mục tiêu điều trị bệnh bong võng mạc là phục hồi chức năng võng mạc, cải thiện triệu chứng và lấy lại thị lực. Để thực hiện được điều này, bác sĩ thường chỉ định áp dụng một số biện pháp sau:

Bong võng mạc là tình trạng mắt nghiêm trọng và cần can thiệp phẫu thuật để điều trị

Một số phương pháp điều trị hiệu quả bao gồm:

  • Liệu pháp laser hoặc đông lạnh: Một số trường hợp bị rách võng mạc trước khi bong võng mạc sẽ được vá vết rách lại. Đồng thời, tạo ra vết sẹo nhỏ trong mắt nhằm giữ võng mạc ở tại chỗ.
  • Liệu pháp Retinopexy khí nén: Trường hợp bị bong võng mạc không quá nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện retinopexy khí nén. Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm bong bóng khí nhỏ vào thủy tinh thể. Các bong bóng này sẽ ép vào võng mạc để đóng vết rách lại. Lượng chất lỏng dưới võng mạc sẽ được cơ thể tái hấp thu và võng mạc sẽ dính vào mắt như bình thường. Cuối cùng khi hoàn thành nhiệm vụ, bong bóng khí cũng sẽ được tái hấp thu.
  • Khóa củng mạc: Đây là thủ thuật sử dụng một dải silicon nhỏ gắn vào bên ngoài mắt nhằm giữ cố định võng mạc, cho phép võng mạc được gắn liền lại với lớp lót phía sau.
  • Phẫu thuật cắt dịch kính: Nhằm mục đích loại bỏ thủy tinh thể khỏi mắt. Sau đó, đặt khí hoặc dầu để đẩy võng mạc về đúng vị trí ban đầu.
  • Phẫu thuật đai, độn củng mạc: Phương pháp này nhằm mục đích tháo dịch bong chảy ra, gây viêm dính vết rách võng mạc. Sau đó, kết hợp ấn củng mạc lồi về phía buồng dịch kính để bịt kín và hình thành vết sẹo cho vết rách võng mạc để áp phẳng võng mạc vào thành nhãn cầu. Tuy nhiên, chống chỉ định thực hiện biện pháp này với những người mắc các bệnh nhiễm trùng toàn thân hoặc mắt nặng.

Bong võng mạc là tình trạng bệnh lý về mắt nguy hiểm, không thể chữa khỏi bằng thuốc. Do đó, cần can thiệp điều trị ngoại khoa càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng mất thị lực. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, dùng bịt che mắt và giữ nguyên đầu để giảm thiểu tổn thương, giúp vết thương phục hồi nhanh hơn.

Phòng ngừa

Để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây bong võng mạc, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm rủi ro mắc bệnh:

Chăm sóc kỹ lưỡng để có một đôi mắt khỏe mạnh, phòng ngừa bong võng mạc

  • Chăm sóc mắt thường xuyên, nhất là những người đang bị cận thị.
  • Bảo vệ mắt kỹ lưỡng khỏi các thiết bị chuyên dụng như kính bảo hộ, kính râm hoặc khi chơi các trò chơi mạo hiểm.
  • Khám mắt định kỳ 6 - 12 tháng/ lần nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về mắt và kịp thời điều trị, ngăn ngừa các biến chứng khó lường.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa, tập thể dục thường xuyên và tránh uống rượu, cai thuốc lá để giảm nguy cơ gây bong võng mạc.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị suy giảm thị lực đột ngột, tầm nhìn mờ là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao tôi bị bong võng mạc?

3. Tình trạng bong võng mạc của tôi có nguy hiểm không?

4. Nếu không điều trị bong võng mạc, tôi có thể bị mù vĩnh viễn không?

5. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bong võng mạc?

6. Bệnh bong võng mạc có chữa khỏi được không?

7. Phương pháp điều trị bong võng mạc tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

8. Cách chăm sóc mắt trong quá trình điều trị bong võng mạc như thế nào?

9. Quá trình điều trị bong võng mạc mất bao lâu thì phục hồi thị lực?

10. Chi phí phẫu thuật bong võng mạc có đắt không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Bong võng mạc có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bạn có thể mù lòa vĩnh viễn. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt, suy giảm tầm nhìn, thị lực, hãy nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa và mô tả rõ tình trạng đang mắc phải để được thăm khám, chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Ngày đăng 15:19 - 22/05/2023 - Cập nhật lúc: 15:20 - 22/05/2023
Chia sẻ:
Song Thị
Song thị là vấn đề thị lực tạm thời hoặc cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng về mắt và thần kinh. Biểu hiện của…
Tắc Tuyến Lệ
Tắc tuyến lệ là bệnh lý về mắt phổ biến,…
Bệnh Mù Màu
Mù màu là bệnh lý về mắt phổ biến ở…
Bệnh Giun ký sinh trong mắt
Giun ký sinh trong mắt là một trong những bệnh…
Bệnh Nhược Thị

Nhược thị xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một bên mắt của trẻ yếu hơn…

Bệnh Quáng Gà

Quáng gà là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về mắt từ nhẹ đến nặng hoặc do thiếu hụt…

Lẹo mắt là khối u nổi lên ở mí mắt Bệnh Lẹo mắt

Lẹo mắt là bệnh nhiễm trùng mắt cực kỳ phổ biến, có thể xảy ra ở cả trẻ em và…

Cận Thị

Cận thị là tật khúc xạ mắt phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng tăng cao qua từng năm.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua