Bỏng

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Bỏng là tổn thương các mô da do nhiệt, điện, hóa chất, bức xạ hoặc ánh nắng. Bỏng có nhiều cấp độ, phổ biến nhất từ độ 1 đến độ 3, được phân biệt khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. Hầu hết các trường hợp bị bỏng đều có tiên lượng tốt, hiếm khi tử vong nhưng với điều kiện phải được sơ cứu kịp thời, đúng cách và điều trị y tế ngăn ngừa nhiễm trùng, biến chứng. 

Tổng quan

Bỏng (Burns) là tình trạng tổn thương mô nông hoặc sâu do tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, hóa chất, điện, tia bức xạ hoặc ánh nắng mặt trời. Các vết bỏng đều làm hủy hoại và thay đổi cấu trúc da dù ít hay nhiều. Hầu hết các trường hợp bỏng thường xảy ra ngoài ý muốn với nhiều cấp độ khác nhau.

Bỏng là tình trạng tổn thương các mô da với nhiều cấp độ và nguồn gây bỏng khác nhau

Tổn thương bỏng có thể khu trú tại chỗ hoặc lan rộng toàn thân tùy theo mức độ và tính chất nghiêm trọng của căn nguyên gây bỏng. Bỏng nhẹ có thể sơ cấp cứu và điều trị tại nhà, nhưng nhiều trường hợp bỏng nghiêm trọng cần được cấp cứu y tế khẩn cấp, nhất là khi bỏng nặng đe dọa đến tính mạng.

Điều trị bỏng có rất nhiều phương pháp như sơ cứu làm mát da, bôi thuốc, chăm sóc vệ sinh, bù dịch hoặc phẫu thuật ghép da. Khuyến cáo bệnh nhân bị bỏng cần phối hợp tích cực trong điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như tổn thương tim mạch, mất nước, viêm phổi, suy nội tạng, nhiễm trùng huyết...

Phân loại

Bỏng được phân chia làm 3 loại chính dựa vào đánh giá mức độ tổn thương trên da, bao gồm:

Bỏng có 3 cấp độ chính từ 1 - 3 và được phân loại dựa vào mức độ tổn thương da

  • Bỏng độ 1: Là tình trạng bỏng nhẹ, tổn thương da thường là bỏng nông trên bề mặt da, lớp biểu bì không bị ảnh hưởng, chỉ hơi ửng đỏ và đau nhẹ, không bị phồng rộp.
  • Bỏng độ 2: Tổn thương ảnh hưởng đến lớp trên và lớp dưới của da (lớp hạ bì). Đây là nơi có sự hiện diện của các nang lông và tuyến mồ hôi. Các biểu hiện đặc trưng là xuất hiện vết phồng rộp, lớp biểu bì tách khỏi lớp hạ bì, tích tụ chất lỏng tạo thành mụn nước gây đau rát. Khi lớp biểu bì tách khỏi lớp hạ bì, bệnh nhân thường có xu hướng mất chất lỏng, mất nhiệt và suy giảm miễn dịch.
  • Bỏng độ 3: Hay còn gọi là bỏng toàn thân và cũng là cấp độ bỏng nghiêm trọng nhất, phá hủy cả lớp biểu bì, hạ bì và cả mỡ. Thậm chí, làm tổn thương các đầu dây thần kinh, khiến người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức ở những vùng xung quanh chứ không đau tại vị trí bỏng. Hình thái tổn thương bỏng độ 3 đặc trưng bởi làn da chuyển màu đen, đỏ sẫm, trắng nhợt và sần sùi.

Ngoài 3 cấp độ bỏng cơ bản kể trên, các chuyên gia còn cung cấp thêm 3 độ bỏng nữa cực kỳ nghiêm trọng, vượt hơn cả cấp độ 3, bao gồm:

  • Bỏng độ 4: Vết bỏng ăn sâu vào trong lớp biểu bì, xuyên qua lớp mỡ và gây tổn thương đến gân, các dây thần kinh.
  • Bỏng độ 5: Được chẩn đoán khi bỏng gây tổn thương đến cơ bắp;
  • Bỏng độ 6: Bỏng nặng gây tổn thương đến xương;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều tác nhân gây ra bỏng, chẳng hạn như:

Các nguồn gây bỏng phổ biến như nhiệt (hơi nước, nước nóng, lửa) hoặc điện, hóa chất, tia bức xạ, ánh nắng mặt trời...

  • Tiếp xúc với các nguồn nhiệt lớn như lửa, nước hoặc hơi nước nóng, các bề mặt nóng;
  • Hóa chất như axit, bazơ, xi măng, nitơ lỏng, đá khô, chất tẩy rửa, sát trùng mạnh;
  • Bỏng điện;
  • Bỏng do bức ;
  • Bỏng nắng;

Thời gian cơ thể tiếp xúc với nguồn gây bỏng càng lâu hoặc cường độ nguồn gây bỏng mạnh càng khiến tổn thương nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình chẩn đoán cấp độ bỏng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy theo nguồn gây và cấp độ mà các triệu chứng bỏng đươc biểu hiện khác nhau. Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể cũng có thể bị bỏng, nhưng phổ biến nhất là tay, chân, khuôn mặt, thân người...

Các triệu chứng bỏng biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào cấp độ bỏng như sưng đau, lột da, cháy da, nổi mụn nước...

Ngoài ra, theo thời gian, các triệu chứng bỏng cũng có sự thay đổi và tiến triển ngày càng nặng dần. Nhưng nhìn chung có các triệu chứng bỏng cơ bản sau:

  • Da trắng, đỏ sẫm hoặc cháy đen;
  • Lột da;
  • Da khô, sần sùi;
  • Nổi mụn nước;
  • Đau rát;
  • Sưng tấy, phù nề da;

Chẩn đoán 

Không khó để xác định nguồn gây bỏng, tuy nhiên vấn đề khó khăn chính là đo diện tích bề mặt bỏng cũng như kiểm tra sức khỏe, thể trạng của bệnh nhân và tiên lượng khi bị bỏng.

Chẩn đoán bỏng chủ yếu nhằm ước tính tỷ lệ phần trăm mức độ cơ thể bị ảnh hưởng

Đo diện tích bề mặt tổn thương bỏng

Chiều rộng vết bỏng là tiêu chí đánh giá phần trăm diện tích bề mặt tổn thương bỏng. Chỉ áp dụng đo diện tích vết bỏng cho bệnh nhân bỏng độ 2 trở lên. Trong đó, nếu bỏng độ 2 chiếm khoảng 10% diện tích bề mặt cơ thể, được đánh giá là nghiêm trọng.

Cách tính tổng diện tích bề mặt tổn thương của vết bỏng được thực hiện theo quy tắc số 9. Theo đó, cơ thể con người được chia làm 11 phần, mỗi phần chiếm 9% diện tích da trên cơ thể, bao gồm: đầu cổ, tay phải, tay trái, ngực, bụng, lưng trên, lưng dưới, đùi trái, đùi phải, cẳng chân trái, cẳng chân phải và 1% còn lại là cơ quan sinh dục.

Chỉ cần xác định các vùng da bị bỏng sâu và cộng lại sẽ xác định được tỷ lệ phần trăm bỏng.

Xét nghiệm kiểm tra sức khỏe

Một số xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giá và tiên lượng mức độ bỏng của bệnh nhân như:

  • Xét nghiệm công thức và sinh hóa máu cơ bản;
  • Xét nghiệm khí máu động mạch;
  • Đo nồng độ carboxyhemoglobin;
  • Đo áp lực keo huyết tương,
  • Kiểm tra nhóm máu và phản ứng chéo;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Chụp X quang ngực;
  • Nội soi;
  • Đo điện tâm đồ;

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng

Bỏng độ 1 và 2 với diện tích tổn thương không nhiều thường không quá nguy hiểm, có thể tự điều trị tại nhà hoặc thăm khám y tế. Sau điều trị, có thể để lại sẹo hoặc đổi màu da. Riêng bỏng độ 3 sâu, diện tích tổn thương rộng thường tiến triển nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng.

Bỏng độ 3 là cấp độ dễ gây ra các biến chứng nguy khó lường như hoại tử da, loạn nhịp tim, nhiễm trùng hoặc suy đa tạng

Một số biến chứng tiềm ẩn khi bị bỏng độ 3 như:

  • Hoại tử da;
  • Giảm thể tích tuần hoàn gây sốc bỏng;
  • Các vấn đề về tim mạch như giảm cung lượng tim, rối loạn nhịp tin;
  • Máu cô đặc gây kèm theo bỏng sâu gây suy thận cấp tại thận và trước thận;
  • Viêm phổi;
  • Hạ huyết áp nghiêm trọng;
  • Nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng huyết, cắt cụt chi;
  • Rối loạn tri giác, rơi vào hôn mê sâu do giảm tưới máu não;
  • Suy đa tạng, dẫn đến tử vong;

Tiên lượng

Bỏng là vấn đề sức khỏe toàn cầu và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mỗi năm, ước tính khoảng 180.000 ca. Tỷ lệ tử vong thường cao ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như một số nước châu Phi, Đông Nam Á. Riêng những quốc gia có thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do bỏng đang dần giảm xuống nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại.

Trường hợp bỏng nhưng không tử vong lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra hàng loạt vấn đề bệnh tật, nằm viện kéo dài, biến dạng thân thể, gây tần tật vĩnh viễn. Đăc biệt, bỏng gây suy giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ trầm cảm do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử.

Hầu hết các trường hợp bị bỏng đều có tiên lượng điều trị tốt, ít khi đe dọa đến tính mạng

Tiên lượng điều trị bỏng tương đối tốt trong trường hợp được xử lý sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách. Hầu hết những vết bỏng độ 1 và  2 sẽ lành lại sau 2 - 3 tuần hoặc tối đa 1 tháng tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết bỏng. Sau khi khỏi bỏng, trên da sẽ xuất hiện các vết sẹo nhưng chúng sẽ mờ dần theo thời gian.

Với những trường hợp bỏng nặng hơn cần kết hợp vật lý trị liệu nhằm cải thiện và phục hồi chức năng, khả năng vận động khớp. Kết hợp điều trị tâm thần với những bệnh nhân phát triển trầm cảm hoặc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Tóm lại, nhờ những tiến bộ của y học, có những bệnh nhân bỏng đến 90% vẫn có thể sống sót và qua cơn nguy kịch.

Điều trị

Tùy theo nguyên nhân và mức độ bỏng nặng hay nhẹ sẽ được điều trị bằng các biện pháp phù hợp.

Điều trị y tế

Xử trí bệnh nhân bỏng bao gồm 2 bước cơ bản sau:

Sơ cứu tại chỗ

Đây là bước quan trọng nhằm ngăn chặn nguồn gây bỏng, giảm thiểu mức độ tổn thương cho bệnh nhân.

  • Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng, chẳng hạn như ngắt nguồn điện, dập lửa, cắt bỏ quần áo trên người do chứa chất gây bỏng;
  • Làm mát vùng da bị bỏng bằng nước lạnh nhiệt độ từ 10 - 25 độ C, kéo dài liên tục trong vòng 15 phút;
  • Cố gắng loại bỏ hết các mảnh vụn, mô chết khỏi vết bỏng và tuyệt đối không bôi bất kỳ thứ gì lên trên bề mặt da bỏng;
  • Dùng khăn hoặc quần áo sạch, vô trùng che phủ lên vùng da bị bỏng và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Xử lý tại bệnh viện và chăm sóc tại nhà

Chỉ những trường hợp bị bỏng nặng độ 2 trở lên mới cần điều trị tại bệnh viện. Một số biện pháp điều trị cụ thể được áp dụng như sau:

Bỏng nhẹ:

Đối với những trường hợp bỏng nhẹ, quá trình điều trị thường khá đơn giản, chẳng hạn như:

Điều trị bỏng nhẹ bằng dung dịch sát khuẩn, thuốc giảm đau hoặc bôi kem kháng sinh nhằm cải thiện triệu chứng bỏng

  • Xử lý vết bỏng bằng liệu pháp phun sương siêu âm nhằm làm sạch bụi bẩn và kích thích mô vết thương;
  • Kê toa thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau thường dùng như ibuprofen (Advil, Motrin IB), naproxen natri (Aleve) hoặc acetaminophen (Tylenol);
  • Tiêm vắc xin ngừa phòng ngừa uốn ván;
  • Cố gắng không làm vỡ mụn nước;
  • Bôi kem dưỡng ẩm lên vết bỏng. Ưu tiên bôi kem dưỡng ẩm chứa gel nha đam giúp giảm khô, xoa dịu kích ứng;
  • Uống nhiều nước hơn nhằm giảm ngăn chặn tình trạng mất nước;
  • Che chắn kỹ vết bỏng trước khi đi ra ngoài, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;

Bỏng nặng

Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu, suy hô hấp cần ưu tiên điều trị hồi sức hô hấp, chống sốc bỏng, sau đó mới đến xử lý vết thương.

Bệnh nhân bỏng nặng có biến chứng cần được phục hồi hô hấp, chống sốc bỏng sau đó can thiệp phẫu thuật

  • Phục hồi hô hấp:
    • Kiểm tra đường thở và cho bệnh nhân thở oxy bằng mặt nạ khí dung;
    • Tiến hành thủ thuật rạch giải áp nếu vết bỏng nằm sâu ở ngực, cổ, bụng nhằm đảm bảo lưu thông không khí;
    • Trường hợp suy hô hấp nặng hoặc mất hoàn toàn tri giác phải đặt nội khí quản;
  • Dự phòng sốc bỏng:
    • Đo áp lực tĩnh mạch trung ương và đặt sonde thông tiểu;
    • Thực hiện thủ thuật mở đường truyền tĩnh mạch lớn cách xa vị trí bỏng để truyền dịch vào trong cơ thể. Lưu ý truyền liên tục trong vòng 24 giờ đầu;
    • Đặt ống nuôi ăn hoặc có dấu hiệu suy dinh dưỡng bằng ống luồn dẫn thức ăn từ mũi đến dạ dày;
    • Truyền dịch bù nước và chất điện giải;
    • Kê đơn thuốc giảm đau, kháng sinh chống nhiễm trùng, bổ sung vitamin và tiêm vắc xin phòng ngừa uốn ván;
  • Xử lý vết bỏng:
    • Rửa sạch vết bỏng bằng nước muối, kết hợp sát trùng xung quanh vết bỏng;
    • Nếu bỏng nặng khiến da cháy đen phải tiến hành cắt bỏ;
    • Quấn băng vết bỏng đã được bôi dịch vô trùng, sau đó quấn bên ngoài là gạc khô;
  • Phẫu thuật: Trường hợp bỏng sâu sẽ được cân nhắc mổ để loại bỏ tổn thương. Một số kỹ thuật mổ bỏng sâu phổ biến như:
    • Cắt bỏ làn da hoại tử trong vòng 3 - 7 ngày, sau đó tiến hành ghép da ngay;
    • Cắt bỏ làn da hoại tử sau 7 - 10 ngày, khi vết thương có các tổ chức hạt, thực hiện ghép da;
    • Cắt bỏ làn da hoại tử muộn, ghép da lên các tổ chức hạt bị tổn thương;

Vật lý trị liệu 

Trường hợp diện tích bỏng lớn, nhất là khi tổn thương bỏng bao phủ lên các khớp làm giảm khả năng vận động. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân thực hiện các bài tập vật lý trị liệu. Liệu pháp này giúp kéo căng vùng da tại khớp nhằm duy trì sự linh hoạt khi vận động. Đồng thời, tăng cường sức mạnh, khả năng phối hợp cơ bắp.

Ngoài ra, vật lý trị liệu sau ghép da cũng được chuyên gia khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, để tránh khiến miếng da ghép sống không dính vào mô hạt, bệnh nhân phải nằm bất động tuyệt đối trong 5 - 7 ngày đối với khớp không chịu trọng lực, 10 - 15 ngày đối với các khớp chịu trọng lực.

Phòng ngừa

Bỏng do rất nhiều nguyên nhân gây ra và hầu hết đều xảy ra tình cờ. Bạn có thể chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp tích cực sau:

Cách ly các nguồn gây bỏng hóa chất, nhiệt, điện, ánh nắng mặt trời... tối đa khỏi bản thân và các thành viên trong gia đình

  • Luôn bôi kem chống nắng khi ra ngoài.
  • Kiểm tra nhiệt độ nước tắm trước khi tắm, nhất là đối với trẻ em.
  • Che chắn hoặc giữ cách các đồ vật có bề mặt nóng, ổ điện, dây điện ở vị trí an toàn, đặc biệt xa tầm tay trẻ em.
  • Bảo quản hóa chất đúng quy định, loại bỏ các tác nhân gây bắt lửa như diêm, bật lửa, tàn thuốc lá...
  • Tuân thủ các quy định an toàn về thiết kế và chất liệu nhà ở. Định kỳ kiểm tra nhà để giảm thiểu các rủi ro về cháy nổ.
  • Thúc đẩy các chương trình giáo dục về phòng chống cháy nổ, cách dập lửa và sử dụng các thiết bị chống cháy, máy dò khói, vòi phun nước tự động và hệ thống thoát hiểm.
  • Nâng cao phát triển hệ thống y tế về chăm sóc bệnh nhân bỏng nhằm giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị bỏng mức độ nào?

2. Bị bỏng nhẹ có nên đến bệnh viện không?

3. Khi bị bỏng, tôi nên xử lý như thế nào?

4. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với vết bỏng của tôi?

5. Tiên lượng điều trị bỏng đối với trường hợp của tôi có nghiêm trọng không?

6. Tôi cần làm gì để vết bỏng không để lại sẹo?

7. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi bị bỏng?

8. Điều trị vết bỏng mất thời gian bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

9. Tôi cần làm gì để phòng ngừa bỏng trong tương lai?

Bất kỳ loại bỏng nào cũng nguy hiểm, nhất là những trường hợp bỏng nặng, cấp độ tổn thương nghiêm trọng nhưng không được sơ cấp cứu kịp thời. Tiên lượng của hầu hết các trường hợp bỏng đều tương đối tốt, ít khi đe dọa tính mạng nhưng dễ để lại sẹo vĩnh viễn. Do đó, khuyến cáo mỗi người và gia đình nên thực hiện các biện pháp giảm nguy cơ gây bỏng theo khuyến cáo của chuyên gia.

Ngày đăng 23:23 - 16/04/2023 - Cập nhật lúc: 23:23 - 16/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh Behcet
Bệnh Behcet là chứng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp gây viêm ở nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể như da, mắt, cơ xương khớp, tiêu hóa...…
Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là chứng bệnh da liễu thường gặp,…
Bệnh U nang bã nhờn
U nang bã nhờn là những khối nhỏ, thường không…
Bệnh Ngón tay trắng
Ngón tay trắng là bệnh nhiễm virus herpes simplex gây…
Bệnh Hậu bối

Hậu bối là căn bệnh nhiễm trùng da khá nghiêm trọng, đặc trưng bởi các đốm nhọt sưng đỏ, gây…

Viêm nang lông Bệnh Viêm Nang Lông

Viêm nang lông là bệnh da liễu xảy ra do nấm. Bất kỳ vị trí nào có lông trên cơ…

Bệnh Chốc mép

Chốc mép xảy ra khi vùng khóe miệng bị khô nứt nẻ và đau rát. Đây là vấn đề da…

Bệnh Tổ Đỉa

Bệnh tổ đỉa là căn bệnh da liễu phổ biến. Bệnh gây nổi mụn nước ngứa ngáy ở kẽ và…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua