Babesia (Nhiễm trùng do Babesia)

Babesia là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Babesia gây ra. Chúng lây nhiễm vào cơ thể người thông qua vết cắn của bọ ve. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như cúm nhẹ thoáng qua hoặc tiến triển nặng với các biến chứng phá hủy tế bào máu, gây suy đa tạng nguy hiểm. Đa số các trường hợp mắc Babesia đều đáp ứng tốt với phác đồ kháng sinh. 

Tổng quan

Babesia (Babesiosis) là bệnh nhiễm trùng mắc phải do nhiễm ký sinh trùng Babesia. Bạn có thể mắc căn bệnh này thông qua vết cắn của bọ ve nhiễm bệnh hoặc từ việc cấy ghép nội tạng. Bệnh cũng có thể xảy ra đồng thời với bệnh Lyme do bọ ve cũng có khả năng mang vi khuẩn Lyme Borrelia burgdorferi.

Babesia là bệnh nhiễm trùng do nhiễm ký sinh trùng Babesia gây phá hỏng các tế bào máu

Bệnh Babesia đặc trưng với các triệu chứng như cúm như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi... Ký sinh trùng Babesia được các chuyên gia cảnh báo có khả năng phá hủy các tế bào hồng cầu trong cơ thể người. Hậu quả gây các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Điển hình là chứng thiếu máu tán huyết.

Tỷ lệ mắc bệnh Babesia khá hiếm và được ghi nhận là một trong những căn bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người xảy ra trong những năm gần đây. Bệnh được phát hiện chủ yếu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Bệnh Babesia được gây ra bởi ký sinh trùng cùng tên là Babesia. Nó là loài động vật nguyên sinh, đơn bào với kích thước nhỏ, chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi. Chúng xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết cắn của bọ ve và phát triển trong máu, khả năng nhân lên nhanh chóng và phá hủy các tế bào hồng cầu.

Bọ ve là nguồn lây ký sinh trùng Babesia trung gian sang người và khởi phát thành bệnh

Các nhà khoa học ghi nhận có rất nhiều chủng Babesia được phát hiện như B.microti, B.duncani, B.crassa, B.venatorum, B.bovis... Trong đó, chủng B.microti là nguyên nhân gây bệnh Babesia phổ biến ở Mỹ, còn các chủng còn lại chủ yếu gây bệnh ở châu Âu. Chúng thường được phát hiện ở các loài động vật hoang dã hoặc vật nuôi trong nhà, có khả năng lây lan sang người.

Rất hiếm trường hợp lây bệnh Babesia từ người sang người hoặc từ mẹ truyền sang thai nhi. Mùa xuân và hè là thời điểm dễ mắc bệnh nhất vì bọ ve phát triển mạnh.

Yếu tố nguy cơ 

Không phải ai bị bọ ve cắn hay thậm chí nhiễm ký sinh trùng Babesia cũng khởi phát thành bệnh. Vì cơ thể con người chúng ta có hệ thống miễn dịch làm nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt các tác nhân bất thường. Ngược lại, nếu vì một lý do nào đó, bạn có hệ miễn dịch kém sẽ rất dễ mắc bệnh. Chẳng hạn như:

  • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh;
  • Nhiễm virus HIV/AIDS;
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc;
  • Đã từng phẫu thuật cắt bỏ lá lách hoặc cấy ghép nội tạng;
  • Người lớn tuổi (> 60 tuổi);

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng bệnh Babesia khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và khả năng miễn dịch, thể trạng của cơ thể bệnh nhân. Nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc như cúm nhẹ, nhưng cũng có không ít bệnh nhân bùng phát bệnh nặng, biến chứng tiên lượng xấu đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân Babesia thường bị sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn tương tự như triệu chứng cảm cúm

Triệu chứng Babesia nhẹ

Trong giai đoạn đầu vừa nhiễm bệnh, các triệu chứng Babesia tương tự như cảm cúm, bao gồm:

  • Sốt cao;
  • Ớn lạnh;
  • Mệt mỏi;
  • Đau đầu;
  • Vã mồ hôi;
  • Đau cơ, nhức khớp;
  • Ăn uống kém;
  • Ho;

Triệu chứng Babesia nặng

Ở giai đoạn Babesia tiến triển nặng có thể gây ra một số triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Vàng da, vàng mắt;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Cứng cổ;
  • Đau bụng;
  • Khó thở;
  • Da xanh xao, nhợt nhạt;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Thay đổi tâm trạng, cảm xúc bất ổn;

Chẩn đoán

Bệnh Babesia thường khó chẩn đoán vì hầu hết mọi người không thể nhớ việc có từng bị bọ ve chó cắn hay không. Khi khởi phát triệu chứng, nhiều người thường nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Do đó, cách duy nhất để chẩn đoán bệnh Babesia là xét nghiệm máu để tìm kiếm ký sinh trùng.

Xét nghiệm máu chẩn đoán chính xác bệnh Babesia

Xét nghiệm máu nhằm mục đích:

  • Xác định kháng thể chống ký sinh trùng Babesia trong máu;
  • Đo số lượng tế bào máu, phát hiện hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu giảm thấp;
  • Soi tươi máu dưới kính hiển vi để tìm kiếm Babesia;
  • Kết hợp xét nghiệm nước tiểu nhằm đánh giá chức năng gan, thận;
  • Loại trừ các bệnh nhiễm trùng khác;

Biến chứng và tiên lượng

Đa phần các trường hợp nhiễm ký sinh trùng Babesia thường không được phát hiện và tự khỏi mà không gây ra bất kỳ biến chứng hay vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Thời gian khỏi có thể nhanh hơn nếu bệnh nhân được chăm sóc tích cực, khoảng 1 - 2 tuần.

Tuy nhiên, với những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, nhất là khi có bệnh lý nền HIV hoặc không có lá lách, bệnh Babesia sẽ rất nhanh tiến triển nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, tỷ lệ tử vong 1/10 trường hợp mắc bệnh.

Bệnh Babesia gây các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu tán huyết, phù phổi, gan to, lách to...

Cụ thể một số biến chứng bệnh Babesia gồm:

  • Thiếu máu tán huyết: Ký sinh trùng Babesia phá hủy số lượng lớn tế bào hồng cầu trong thời gian ngắn, khiến cơ thể không tạo ra đủ lượng máu mới để bù đắp sự thiếu hụt, gây ra chứng thiếu máu tán huyết. Tình trạng này kéo dài có thể gây biến chứng tim mạch nguy hiểm.
  • Lách to/ gan to: Nhiễm trùng lây lan vào gan, lách làm tăng thể tích và kích thước, tăng nguy cơ vỡ gan, lách cực kỳ nguy hiểm.
  • Phù phổi: Bệnh nhân mắc Babesia có nguy cơ phù phổi cao, gây suy hô hấp và suy tim.
  • Chứng đông máu nội mạch lan tỏa (DIC): Là tình trạng hình thành các cục máu đông bất thường, gây chảy máu khó kiểm soát.
  • Các tổn thương khác: Chẳng hạn như tổn thương thận cấp tinh hoặc suy gan.

Điều trị

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp phổ biến như:

Điều trị bằng thuốc

Dùng kháng sinh là phương pháp điều trị đầu tiên được chỉ định dùng khi có hoặc không có triệu chứng bệnh. Phác đồ kháng sinh có thể kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau, trong đó 4 loại phổ biến nhất là:

Điều trị bệnh Babesia hiệu quả bằng phác đồ kháng sinh phối hợp

  • Clindamycin;
  • Azithromycin;
  • Atovaquone;
  • Quinine;

Kết hợp dùng thuốc giảm đau Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cải thiện triệu chứng đau nhức cơ. Lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn dùng thuốc do bác sĩ chỉ định. Tránh tự ý ngưng hoặc tăng liều thuốc quá mức để tránh gây tác dụng phụ.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác

Viêc điều trị cần phối hợp với một số biện pháp hỗ trợ tích cực khác, song song với việc dùng thuốc để đạt hiệu quả tối ưu. Nhất là đối với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, không có lá lách hoặc người lớn tuổi.

Chỉ định thở máy dành cho những bệnh nhân Babesia có biến chứng suy hô hấp

Cụ thể với các biện pháp sau:

  • Truyền máu: Nếu bệnh nhân có ít hồng cầu sẽ phải tiến hành truyền máu để cải thiện tình trạng thiếu máu.
  • Truyền máu thay thế: Một số ít trường hợp trong máu vẫn còn ký sinh trùng sau khi dùng kháng sinh, bệnh nhân có thể được chỉ định truyền máu thay thế, loại bỏ máu cũ và thay bằng máu khỏe mạnh.
  • Thở máy: Những bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, không thể tự thở sẽ được cho thở máy để duy trì sự sống.
  • Lọc máu: Dành cho bệnh nhân Babesia nặng, có biến chứng suy thận.

Phòng ngừa 

Bệnh Babesia có thể chữa khỏi được, tuy nhiên phòng ngừa bệnh mới chính là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh bị bọ ve cắn, bằng các biện pháp sau:

Mặc quần áo dài, giày vớ che kín cơ thể để tránh bị bọ ve cắn, giảm nguy cơ nhiễm trùng Babesia

  • Tránh đi vào những nơi cây cối mọc um tùm, rậm rạp.
  • Thường xuyên cắt cỏ xung quanh nhà, tránh để cỏ mọc quá cao rất dễ bị bo ve tấn công.
  • Mặc quần áo dài tay và sáng màu để dễ dàng phát hiện bọ ve bám trên người.
  • Kiểm tra và tắm rửa vật nuôi thường xuyên để phát hiện bọ ve, kịp thời loại bỏ và tiêm thuốc phòng ngừa tái phát.
  • Sau khi trở về từ những nơi có nhiều cây cỏ hoặc tiếp xúc với vật nuôi, hãy kiểm tra quần áo, vật dụng và nhất là trên cơ thể như tóc, các nếp gấp da, lưng, sau tai, nách, sau đầu gối... để phát hiện và loại bỏ bọ ve.
  • Nếu phát hiện bọ ve trên người, hãy dùng miếng gạc hoặc nhíp nhẹ nhàng loại bỏ chúng khỏi da. Tuyệt đối không được nghiền, ép để giết bọ ve ngay trên da.
  • Tiêm phòng vắc xin TicoVac phòng ngừa viêm não do bọ ve gây ra, có thể dùng được cho cả trẻ em và người lớn.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh Babesia là gì?

3. Mức độ nghiêm trọng của bệnh Babesia?

4. Bị Babesia do bọ ve cắn cần làm gì để chẩn đoán?

5. Bệnh Babesia có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?

6. Phương pháp điều trị bệnh Babesia tốt nhất dành cho tôi?

7. Dùng kháng sinh lâu ngày có gây tác dụng phụ nào không?

8. Tôi phải điều trị bệnh trong bao lâu mới khỏi?

9. Nếu tôi không điều trị, bệnh Babesia có tự khỏi không?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa bệnh Babesia tái phát trở lại?

Bệnh Babesia là căn bệnh nhiễm trùng có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh cùng một số biện pháp điều trị y tế hỗ trợ khác. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ngoài ý muốn, hãy chủ động thăm khám sớm để được điều trị hoặc bảo vệ cơ thể khỏi bọ ve để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngày đăng 22:06 - 10/05/2023 - Cập nhật lúc: 22:07 - 10/05/2023
Chia sẻ:
Bệnh Ebola
Bệnh Ebola do virus ebola gây ra, tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có nguy cơ cao bùng phát thành ổ dịch với tỷ lệ tử vong cao. Điều…
Bệnh Viêm mô hoại tử
Viêm mô hoại tử là căn bệnh hiếm gặp và…
Bệnh Thương hàn
Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi…
Bệnh Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus sốt…
Bệnh Lậu

Bệnh lậu là căn bệnh nhiễm trùng phổ biến lây truyền qua đường tình dục, bên cạnh các bệnh khác…

Bệnh Than

Bệnh than là bệnh truyền nhiễm hiếm tại Việt Nam. Bệnh có tiến triển rất nghiêm trọng nếu chẳng may…

Cảm Cúm

Cảm cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, do nhiễm virus cúm Influenza. Bệnh gây các triệu…

Bệnh Sưng hạch bạch bẹn

Sưng hạch bạch bẹn có thể xảy ra đột ngột do nhiều tác nhân như nhiễm trùng, chấn thương hoặc…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua