Bệnh Áp Xe Thận

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Áp xe thận là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở thận do nhiễm trùng mưng mủ. Bệnh có liên quan đến các chấn thương gây nhiễm trùng hoặc suy giảm chức năng lọc tạo thành sỏi. Điều trị áp xe thận chủ yếu bằng kháng sinh đồ và dẫn lưu ổ áp xe khỏi cơ thể.

Tổng quan

Áp xe thận (Kiney Abscess hoặc Renal Abscess) là tình trạng xuất hiện các ổ chứa mủ gây nhiễm trùng trong các mô thận ngoại vi hoặc các mô mềm xung quanh thận. Tình trạng này xảy ra phổ biến trong những trường hợp nhiễm trùng thận do chấn thương hoặc liên quan đến sỏi thận.

Thận nhiễm trùng với các khối áp xe chứa mủ làm giảm chức năng hoạt động của thận. Hầu hết các trường hợp được phát hiện sớm và xử lý đúng cách sẽ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng nguy hiểm hơn, trong đó có suy thận. Bệnh nhân suy thận bắt buộc phải lọc máu nhân tạo để duy trì sự sống.

Áp xe thận là tình trạng nhiễm trùng các mô thận gây mưng mủ tạo thành các túi chứa dịch mủ

Các chuyên gia khuyến cáo, tỷ lệ mắc áp xe thận ngày càng tăng cao. Trung bình khoảng 10.000 người sẽ có 1 - 10 người mắc phải căn bệnh này. Nam và nữ có tỷ lệ mắc như nhau, đặc biệt những người có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao... có nguy cơ mắc cao hơn người bình thường.

Phân loại

Bệnh được chia làm 2 thể chính gồm:

 

  • Áp xe thận vi thể: Là tình trạng nhiễm trùng sâu trong các mô thận. Tuy nhiên, thể này khá hiếm gặp, nhưng tỷ lệ tiến triển thành suy thận khá cao.
  • Áp xe thận đại thể: Là các ổ mủ xuất hiện trong mô thận do nhiễm trùng. Tình trạng này thường khởi phát sau đợt viêm bể thận cấp và viêm bể thận gây co mạch.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Bản chất của áp xe thận là nhiễm trùng do tác nhân chính là các tụ cầu khuẩn hoặc trực khuẩn gram âm. Chúng tồn tại khu trú trong các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể, sau đó di chuyển theo đường máu để đến thận, tấn công hủy hoại các nhu mô thận, gây mưng mủ, ứ dịch. Tình trạng này được gọi là áp xe thận.

Áp xe thận có liên quan mật thiết đến tình trạng nhiễm trùng huyết hoặc sỏi thận

Có rất nhiều nguyên nhân gây áp xe thận, chẳng hạn như các yếu tố tác nhân, hoạt động lối sống gây ảnh hưởng đến chức năng thận, khởi phát nhiễm trùng. Tùy từng trường hợp mắc cụ thể mà bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân chính xác.

  • Nhiễm khuẩn huyết: Áp xe thận là một trong rất nhiều biến chứng của hiện tượng nhiễm khuẩn huyết. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng phổ biến nhất là do nhiễm trùng lây lan từ các cơ quan khác như viêm phúc mạc, viêm phổi... Vi khuẩn tồn tại trong các động mạch thận và di chuyển theo dòng máu đến thận, hình thành áp xe.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Những trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu như niệu quản, niệu đạo hoặc bàng quang không được điều trị kịp thời đều làm tăng nguy cơ gây nhiễm trùng lây lan vào trong thận, khởi phát chứng viêm bể thận, áp xe thận.
  • Sỏi đường tiết niệu/ sỏi thận: Suy giảm chức năng thận khiến thận không thể lọc hết độc tố, lượng dư thừa tích tụ thành sỏi tồn tại trong đường tiết niệu hoặc thận gây tổn thương các mô tế bào, khởi phát nhiễm trùng và hình thành áp xe.
  • Nhiễm Mycoplasma: Tình trạng này thường xảy ra ở những người đã từng thực hiện cấy ghép thận nhưng có hiện tượng tự đào thải. Ngoài ra, khi thận được ghép vào nhưng cơ thể không có đủ miễn dịch để bảo vệ sẽ rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng. Hậu quả gây áp xe thận nặng, ảnh hưởng đến chức năng thận vừa ghép vào trong cơ thể.
  • Ảnh hưởng từ chứng viêm thận: Viêm thận là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra áp xe thận. Các mô thận bị tổn thương do nhiều tác nhân tạo điều kiện gây nhiễm trùng thận và hình thành áp xe.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Các loại thuốc tiêm tĩnh mạch, tiêm vào các dây thần kinh bàng quang... quá liều trong thời gian dài thường có nguy cơ cao bị áp xe thận.

Yếu tố nguy cơ

Những đối tượng sau có nguy cơ cao bị áp xe thận:

  • Người mắc bệnh tiểu đường;
  • Người lớn tuổi > 65 tuổi;
  • Mắc các bệnh lý tự miễn;
  • Bệnh hồng cầu hình liềm;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng áp xe thận thường gặp như:

Bệnh nhân áp xe thận thường bị sốt cao, tiểu rát buốt, ra máu, sụt cân và đau vùng hông

  • Sốt cao kèm theo ớn lạnh
  • Rét run
  • Mạch nhanh
  • Vã mồ hôi
  • Đau bụng, đau vùng hố thắt lưng
  • Sụt cân
  • Cơ thể khó chịu, mệt mỏi
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Tiểu ra máu
  • Da nhợt nhạt

Chẩn đoán 

Chẩn đoán áp xe thận được thực hiện dựa trên lâm sàng và cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ. Thăm khám lâm sàng thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng, thu thập các dấu hiệu do bệnh nhân cung cấp và khai thác tiền sử bệnh cá nhân. Sau đó, kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp đánh giá các chỉ số quan trọng cho phép chẩn đoán áp xe thận

  • Xét nghiệm máu: Đo chỉ số bạch cầu, hemoglobin để đánh giá triệu chứng thiếu máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu: Giúp phát hiện các bất thường trong nước tiểu như xuất hiện protein, máu, vi khuẩn;
  • Chẩn đoán hình ảnh: Gồm chụp X quang, siêu âm, chụp CT hoặc MRI cho phép quan sát hình ảnh thận, đánh giá các tổn thương áp xe xung quanh thận, đồng thời phân biệt áp xe trong thận và ngoài thận.

Ngoài ra, kết hợp chẩn đoán áp xe thận với các bệnh lý có triệu chứng dễ nhầm lẫn như:

  • Viêm ruột thừa cấp dưới gan hoặc sau manh tràng;
  • Viêm túi mật cấp;
  • Tràn mủ màng phổi;
  • Chứng viêm thận - viêm bể thận cấp;
  • ...

Biến chứng và tiên lượng

Áp xe thận là bệnh lý nhiễm trùng thận khá nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc và chức năng thận. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp phát hiện áp xe thận đều có tiên lượng khá tốt do phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp.

Áp xe thận khiến thận suy giảm chức năng và tăng nguy cơ tiến triển suy thận trong tương lai nếu không điều trị kịp thời

Ngược lại, nếu chủ quan không điều trị, các triệu chứng ngày càng bùng phát mạnh, kéo theo biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như:

  • Sưng viêm tấy quanh thận gây đau nhức dữ dội, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sinh hoạt, chất lượng công việc hàng ngày;
  • Vỡ khối áp xe gây tràn dịch mủ vào đường tiết niệu gây viêm mạn tính;
  • Tổn thương thận vĩnh viễn, tiến triển suy thận nặng rất khó lường.

Do đó, khuyến cáo bệnh nhân áp xe thận chủ động đến bệnh viện thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để có hướng xử lý hiệu quả, an toàn.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán nguyên nhân và mức độ áp xe thận, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị hiệu quả.

Điều trị nội khoa

Mục tiêu dùng thuốc trị áp xe thận chủ yếu nhằm tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn và kết hợp giảm đau, giảm sưng phù, nâng cao thể trạng sức khỏe.

Thuốc kháng sinh

Nhóm thuốc kháng sinh đáp ứng khá tốt với hầu hết các trường hợp bị áp xe thận. Tùy theo kết quả xét nghiệm chủng vi khuẩn là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại kháng sinh phù hợp. Chẳng hạn như:

Thuốc kháng sinh được dùng dưới dạng tiêm hoặc tiêm tĩnh mạch nhằm tiêu diệt tác nhân gây nhiễm trùng, hình thành áp xe

  • Chủng cầu khuẩn gây áp xe thận: Thường được chỉ định dùng kháng sinh nhóm beta - lactamin. Loại điển hình là Penicilline hoặc các loại kháng sinh tác dụng phổ rộng thế hệ II hoặc III;
  • Chủng vi khuẩn gram âm gây áp xe thận: Điều trị chủng này khá phức tạp, cần có kháng sinh đồ chuyên biệt phối hợp nhiều loại kháng sinh để đạt kết quả tốt nhất. Có thể dùng dạng uống hoặc dạng tiêm tùy theo mức độ bệnh;

Thuốc ức chế men chuyển

Đây là thuốc giúp kiểm soát huyết áp, thường được chỉ định cho bệnh nhân áp xe thận có kèm theo tăng huyết áp bất thường, mạch nhanh. Một số loại thường dùng như Benazepril, Captopril, Lisinopril, Enalapril, Quinapril...

Thuốc thường cho kết quả đáp ứng khá tốt, tuy nhiên cần lưu ý một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như mệt mỏi, kiệt sức, ho khan, phát ban, chóng mặt, ngất xỉu...

Thuốc kiểm soát tiểu đường

Thường dùng cho bệnh nhân áp xe thận có kèm theo tiểu đường. Có 2 loại được kê toa phổ biến nhất là Insulin và Metformin. Thuốc có tác dụng tốt trong việc kiểm soát chỉ số đường huyết và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng nhiễm trùng gây áp xe thận.

Một số thuốc khác

  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc chống viêm
  • Thuốc Corticoid

Dẫn lưu ổ áp xe thận

Song song với dùng thuốc, kỹ thuật dẫn lưu ổ áp xe là phương pháp điều trị cũng được áp dụng phổ biến. Có 2 thủ thuật điều trị thường dùng như:

Dẫn lưu dưới da là thủ thuật điều trị áp xe thận hiệu quả

  • Cách 1: Chọc dò ổ áp xe thông qua thành bụng và hút dịch mủ ra bên ngoài. Sau đó, tiến hành bơm rửa ổ áp xe bằng dung dịch sát khuẩn kết hợp bơm thuốc kháng sinh vào nhằm loại bỏ mầm mống gây nhiễm trùng.
  • Cách 2: Tiến hành siêu âm để chọc dò bằng kim và luồn ống dẫn lưu vào tiếp cận ổ mủ. Sau đó, chích rạch và tháo mủ để dẫn lưu dịch ra khỏi cơ thể.

Phẫu thuật

Những trường hợp áp xe thận do sỏi thận, sỏi đường tiết niệu hoặc tồn tại khối u gây chèn ép các mô thận gây tắc nghẽn, điều trị biến chứng vỡ ổ áp xe sẽ được chỉ định phẫu thuật ngoại khoa. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định mổ loại bỏ sỏi, cắt bỏ khối u hoặc cắt thận bán phần, toàn phần.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa áp xe thận và các tổn thương thận khác, hãy tích cực thực hiện các biện pháp sau:

  • Thay đổi lối sống lành mạnh và khoa học, ăn uống đủ chất, ưu tiên các nhóm thực phẩm lành tính, có khả năng thanh thải độc tố, uống nhiều nước, vận động rèn luyện thể chất hàng ngày.
  • Tuyệt đối không được nhịn tiểu vì đây là cách duy nhất để đào thải vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu, giảm nguy cơ nhiễm trùng gây áp xe thận.
  •  Nói không với các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá... để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình lọc thải và bài tiết nước tiểu, nhất là khi đang có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tạo áp lực lớn cho thận.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đánh giá chức năng thận để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị phù hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sốt cao kèm theo tụt huyết áp, thay đổi tính chất nước tiểu là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị áp xe thận?

3. Tiên lượng tình trạng áp xe thận của tôi có nghiêm trọng không?

4. Bệnh áp xe thận có điều trị khỏi được không?

5. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị áp xe thận?

6. Phương pháp điều trị áp xe thận hiệu quả nhất đối với trường hợp của tôi?

7. Điều trị áp xe thận bằng thuốc kháng sinh có gây tác dụng phụ không?

8. Tôi cần làm gì và tránh làm trong quá trình điều trị áp xe thận?

9. Dẫn lưu áp xe thận tại bệnh viện tốn chi phí bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

10. Áp xe thận có tái phát sau điều trị không?

Áp xe thận gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng thận, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe và cả tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Tiên lượng điều trị áp xe thận khá tốt, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn áp dụng phác đồ điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng.

Ngày đăng 09:30 - 11/04/2023 - Cập nhật lúc: 09:35 - 11/04/2023
Chia sẻ:
Suy thận Bệnh Suy Thận
Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng thận đáng lo ngại nếu không được điều trị sớm và đầy đủ. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể…
Hội chứng Alport
Hội chứng Alport là tình trạng các mạch máu trong…
Bệnh Thận Đa Nang
Thận đa nang là bệnh lý di truyền khá phổ…
Bệnh Viêm Ống Thận Cấp
Viêm ống thận cấp là một trong những bệnh lý…
Hẹp Động Mạch Thận

Hẹp động mạch thận là một trong những bệnh về thận phổ biến, thường xảy ra ở cả người trẻ…

Bệnh Thận Ứ Nước

Thận ứ nước là một trong những vấn đề sức khỏe về thận xảy ra khá phổ biến hiện nay.…

Bệnh Viêm Đài Bể Thận

Viêm đài bể thận (hay viêm thận - bể thận - Pyelonephritis) là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở…

Bệnh Alkapton Niệu

Alkapton niệu là một dạng di truyền khá hiếm gặp. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tích tụ quá mức…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua