Bệnh Alzheimer

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Bệnh Alzheimer là căn bệnh suy giảm trí nhớ và các kỹ năng trí tuệ. Bệnh chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi và thường không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Việc kiểm soát triệu chứng bệnh thông qua một số loại thuốc và liệu pháp vật lý trị liệu được chỉ định bởi chuyên gia.

Tổng quan

Bệnh Alzheimer (Alzheimer's Disease - AD) là tình trạng thoái hóa không hồi phục của não bộ, đặc trưng với sự thay đổi bất thường của não gây suy giảm trí nhớ và trí tuệ của bệnh nhân. Tình trạng não bộ thay đổi dưới sự tác động của bệnh thường tiến triển trong thời gian dài và các triệu chứng bệnh sẽ ngày càng xấu đi theo thời gian.

Alzheimer là bệnh lý suy giảm chức năng não bộ gây ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy trí tuệ và hành vi

Hậu quả cuối cùng là bệnh nhân dần quên đi những sự kiện trong quá khứ, giảm khả năng ghi nhớ, tư duy trong học tập và công việc, thậm chí mất khả năng thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng sa sút trí tuệ, chiếm ít nhất khoảng 2/3 trên tổng số ca mắc.

Bệnh Alzheimer chủ yếu ảnh hưởng đến những người > 65 tuổi. Tuổi tác có mối liên hệ mật thiết với cơ chế bệnh sinh, đồng nghĩa với việc càng lớn tuổi càng có nguy cơ mắc Alzheimer càng cao. Ngoài ra, cũng có một số ít trường hợp phát hiện Alzheimer sớm từ 40 - 50 tuổi, tuy nhiên tỷ lệ này khá hiếm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Bệnh Alzheimer không phải là sự lão hóa đơn thuần của các tế bào thần kinh ở vỏ não và các vùng dưới vỏ não, mà còn kèm theo tiến trình teo não, nhất là ở vùng hồi hải mã (nơi có nhiệm vụ tạo ra và lưu giữ ký ức). Cụ thể, sự tích tụ quá mức của các protein amyloid và tau chính là cơ chế chính gây bệnh Alzheimer.

Sự tăng sinh bất thường của 2 loại protein là tau và amyloid là tác nhân chính khiến cấu trúc, chức năng não bộ thay đổi gây ra Alzheimer

Theo định nghĩa trong y khoa, tau là các đám rối sợi thần kinh và amyloid là các mảng vón. Ở bệnh nhân Alzheimer, 2 loại protein này phát triển bất thường và gây ra bệnh. Cụ thể như sau:

  • Tăng đám rối Tau: Gây rối loạn chức năng các ống vận chuyển dinh dưỡng đến các noron thần kinh, khiến các tế bào não dần suy yếu và chết đi. Số lượng đám rối càng nhiều, mức độ Alzheimer càng nặng.
  • Tăng amyloid beta: Đây là protein tồn tại trong các bao mỡ màng tế bào não. Chúng bong ra và bị vón cục, tập trung lại với nhau tạo thành khối cứng gây tắc nghẽn quá trình truyền dẫn tín hiệu của các tế bào não. Mức độ tắc nghẽn càng nhiều càng khiến khả năng ghi nhớ của não bộ kém đi.

Yếu tố nguy cơ 

Để khởi phát bệnh Alzheimer còn có sự tác động thúc đẩy của một số yếu tố nguy cơ sau:

Nữ giới > 65 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer

  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ mắc Alzheimer càng cao. Độ tuổi phổ biến là > 65 tuổi, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Môi trường: Trong nhiều trường hợp, người ta phát hiện yếu tố môi trường cũng có khả năng làm ảnh hưởng và gây Alzheimer. Chẳng hạn như trường hợp lắng đọng nhôm trong não bộ.
  • Di truyền: Bệnh Alzheimer có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có bố mẹ hoăc anh chị em ruột đã/ đang mắc bệnh, bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác. Khả năng di truyền của Alzheimer chủ yếu do loại gen alolipoprotein E (APOE).
  • Các yếu tố khác làm tăng khả năng khởi phát sớm Alzheimer như: 
    • Stress, căng thẳng, lo âu trong thời gian dài;
    • Mắc bệnh trầm cảm hoặc hội chứng Down (do bất thường NST trisomy 21);
    • Hút thuốc lá thường xuyên;
    • Chấn thương vùng đầu;
    • Tiền sử bệnh đái tháo đường và tim mạch;
    • Thừa cân béo phì do chỉ số cholesterol cao;
    • Người sống khép kín, ít giao tiếp xã hội;
    • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy vào những phần não bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của bệnh qua từng giai đoạn mà các triệu chứng ở bệnh nhân Alzheimer sẽ biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:

Bệnh nhân Alzheimer có biểu hiện suy giảm trí nhớ và thay đổi tâm trạng

Triệu chứng Alzheimer mức độ nhẹ

Giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, những tổn thương não bộ chưa nghiêm trọng nên triệu chứng chưa rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các biểu hiện bệnh lão hóa tuổi già thông thường. Quá trình tiến triển bệnh Alzheimer giai đoạn đầu thường kéo dài trong 2 - 4 năm, điển hình với các triệu chứng sau:

  • Dễ thay đổi tâm trạng, hay cáu gắt, thờ ơ trước những hoạt động xã hội, công việc;
  • Dành nhiều thời gian cho các việc đơn giản như xem tivi, điện thoại, ngủ hoặc ngồi thơ thẫn;
  • Gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ và khó biểu đạt suy nghĩ thông qua lời nói;
  • Không thể nhớ được các sự kiện hoặc thông tin vừa diễn ra trong thời gian gần đây;
  • Dễ đi lạc dù đi trên những con đường quen thuộc;

Triệu chứng giai đoạn trung bình

Hầu hết bệnh nhân Alzheimer ở giai đoạn trung bình gân như không còn nhớ những thông tin về bản thân và người thân. Thời gian tiến triển trung bình của bệnh trong vòng 2 - 10 năm, bao gồm các biểu hiện cụ thể như:

  • Nói chuyện mơ hồ, lan man;
  • Quên đi các sự kiện có mốc thời gian, địa điểm cụ thể;
  • Khó ngủ, mệt mỏi;
  • Hay đi lang thang, quên đường về nhà;
  • Có dấu hiệu ảo tưởng và dễ thay đổi tâm trạng;

Triệu chứng Alzheimer giai đoạn cuối

Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh Alzheimer, thời gian tiến triển bệnh khá ngắn, trong vòng 1 - 3 năm. Bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối này hoàn toàn mất đi khả năng ghi nhớ, tư duy về hành vi và lời nói với các biểu hiện cụ thể như:

  • Tâm trạng thay đổi thất thường và có xu hướng cực đoan, dễ kích động, thực hiện các hành vi không phù hợp;
  • Liên tục nhầm lẫn giữa quá khứ và hiện tại;
  • Mất kiểm soát các hoạt động cá nhân hàng ngày như ăn uống, vệ sinh, đại tiểu tiện;
  • Mất định hướng không gian, thời gian;
  • Phát sinh kèm theo các bệnh lý nhiễm trùng da, chứng co giật và sụt cân;
  • Nằm liệt giường, không còn khả năng tự di chuyển;
  • Có thể tử vong bất cứ lúc nào;

Chẩn đoán 

Để có kết quả chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác, cần có nhiều bước chẩn đoán cụ thể thông qua khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Các bài test đơn giản như tính toán, sắp xếp hình vẽ... giúp kiểm tra thần kinh và tâm lý bệnh nhân, góp phần chẩn đoán bệnh Alzheimer

  • Khám lâm sàng: Bao gồm các bước như khám sức khỏe tổng quát, khai thác tiền sử bệnh cá nhân, tiền sử dùng thuốc và những thay đổi về trí nhớ, tâm trạng, hành vi và tính cách, khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.
  • Kiểm tra thần kinh: Một số bài test trắc nghiệm thần kinh & tâm lý được bác sĩ cung cấp nhằm kiểm tra sức khỏe thể chất và thần kinh nhằm đánh giá mức độ ghi nhớ, trí nhớ, khả năng chú ý tập trung, tư duy giải quyết vấn đề, tính toán, sử dụng ngôn ngữ... của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Để có đủ các cơ sở dữ liệu chẩn đoán Alzheimer và phân biệt với các bệnh lý gây suy giảm trí nhớ khác, cần kết hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
    • Xét nghiệm máu & nước tiểu: Những bất thường về chỉ số xét nghiệm nước tiểu và máu giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự. Chẳng hạn như công thức máu, glucose máu, albumin, creatinin máu, điện giải đồ...;
    • Chẩn đoán hình ảnh: Một số kỹ thuật hình ảnh được chỉ định trong chẩn đoán Alzheimer như: chụp CT scan não, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp phát xạ...;

Dựa vào kết quả trên, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác bệnh Alzheimer và đưa ra các giả thuyết cụ thể để phân biệt nhiều nguyên nhân khác gây sa sút trí nhớ, rối loạn nhận thức như:

  • Thiếu vitamin B1, B12, tăng canxi máu, hạ natri máu hoặc tăng nồng độ đường huyết;
  • Biến chứng tai biến mạch máu do chấn thương vùng đầu;
  • Ngộ độc;
  • Tác dụng phụ của thuốc;
  • Chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Các bệnh lý nhiễm khuẩn như Lyme, giang mai,...;

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh Alzheimer không phải là bệnh lý lão khoa hoặc bệnh thần kinh thông thường. Nó là một dạng thay đổi bất thường của não bộ gây tác động tiêu cực đến trí nhớ, suy nghĩ, nhận thức và hành vi, khả năng phối hợp động tác của bệnh nhân. Đây là một trong những dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ.

Ở giai đoạn nặng, tiến triển Alzheimer diễn ra nhanh chóng và ngày càng nghiêm trọng. Người bệnh hoàn toàn mất đi các khả năng cơ bản trong việc kiểm soát chức năng cơ thể, dẫn đến tử vong. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, bệnh Alzheimer là nguyên nhân tử vong thứ 7 trong danh sách các bệnh lý có nguy cơ tử vong cao.

Bệnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở người cao tuổi

Biến chứng tử vong ở bệnh nhân Alzheimer không xảy ra ngay lập tức, mà nó thường khởi phát từ các vấn đề sức khỏe khác như:

  • Viêm phổi
  • Mất nước
  • Suy dinh dưỡng
  • Các dạng nhiễm trùng khác...

Tiên lượng bệnh Alzheimer khác nhau ở từng trường hợp cụ thể, tùy theo tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thời gian sống trung bình của bệnh nhân Alzheimer tính từ thời điểm phát hiện triệu chứng khoảng 8 - 20 năm.

Điều trị

Tỷ lệ mắc Alzheimer ngày càng cao nhưng hiện nay y học vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển sa sút trí tuệ. Khuyến cáo điều trị Alzheimer càng sớm càng tốt để duy trì thực hiện các hoạt sinh hoạt hàng ngày.

Phác đồ điều trị Alzheimer mang tính cá nhân hóa cao tùy theo mức độ ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe thể chất và trí nhớ.

1. Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc điều trị Alzheimer được chỉ định sử dụng nhằm mục đích duy trì chức năng thần kinh, làm chậm tiến triển bệnh và hỗ trợ kiểm soát hành vi của người bệnh.

Điều trị Alzheimer bằng thuốc nhằm mục đích ổn định chức năng thần kinh, cải thiện trí nhớ và kiểm soát hành vi cho bệnh nhân

Một số loại thuốc được chấp thuận dùng trong điều trị Alzheimer gồm:

Thuốc ức chế cholinestearase

Thuốc ức chế cholinestearase là loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh Alzheimer mức độ nhẹ và trung bình. Thuốc hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn sản sinh enzyme acetylcholinestearase và làm giảm một số triệu chứng của bệnh Alzheimer. Nhờ đó, giúp cải thiện đáng kể một số vấn đề về trí nhớ và hành vi của bệnh nhân.

Một số loại được chỉ định dùng như:

  • Donepezil (Aricept®)
  • Galantamin (Razadyne®)
  • Rivastigmine (Exelon®)

Thuốc đối kháng NMDA

Nhóm thuốc đối kháng NMDA với biệt dược điển hình là Memantine được chỉ định sử dụng phổ biến trong điều trị cải thiện tình trạng mất trí nhớ do Alzheimer. Thuốc được điều chế dưới dạng viên uống, hoạt động với cơ chế duy trì chức năng thần kinh, bảo vệ các tế bào não khỏe mạnh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiều bệnh nhân Alzheimer sử dụng thuốc Memantine đạt được sự cải thiện rõ rệt về các hoạt động cơ bản hàng ngày như ăn uống, tự tắm rửa, vệ sinh, đại tiểu tiện, mặc quần áo, đi lại...

Thuốc kháng thể đơn dòng

Loại thường dùng là Aducanumab - một loại kháng thể đơn dòng truyền tĩnh mạch giúp điều trị Alzheimer. Thuốc hoạt động dựa trên cơ chế ức chế hình thành các mảng tinh bột beta trong não của bệnh nhân. Thuốc giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng của Alzheimer hiệu quả.

Một số loại thuốc khác

Trên thực tế, không có một loại thuốc đặc trị nào cho bệnh nhân Alzheimer. Do đó, để kiểm soát bệnh một cách tối ưu cần dùng phối hợp nhiều loại thuốc khác như:

  • Thuốc chống trầm cảm: Có tác dụng làm giảm các triệu chứng lo âu, sợ hãi, hoảng loạn...;
  • Thuốc chống loạn thần: Hỗ trợ điều trị triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, kích động;
  • Thuốc chống lo âu: Xoa dịu cảm giác kích động, hung hăng;
  • Thuốc chống co giật: Hỗ trợ làm giảm trạng thái hung hăng của bệnh nhân Alzheimer;

Lưu ý: Alzheimer là bệnh lý phức tạp rất khó điều trị, người bệnh và gia đình bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý chẩn đoán và mua thuốc về điều trị tại nhà. Đồng thời, khi đã có toa thuốc do bác sĩ kê, hãy tuân thủ 100% để đạt hiệu quả điều trị cao, tránh những nguy cơ tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh ngày càng nặng.

2. Liệu pháp phục hồi chức năng

Đây là biện pháp điều trị Alzheimer không dùng thuốc nhằm mục đích phục hồi chức năng não bộ, cải thiện khả năng nhận thức, rối loạn cảm xúc, hành vi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Quá trình thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng não bộ được chỉ định và hướng dẫn thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm.

Các liệu pháp kích thích thần kinh bằng âm nhạc giúp cải thiện tâm lý, khả năng làm chủ cảm xúc đối với bệnh nhân Alzheimer

Gồm một số phương pháp sau:

Kích thích khả năng nhận thức

Tác động chính đến khả năng sử dụng ngôn ngữ, phối hợp hành vi, nhận thức và đặc biệt là trí nhớ. Một số kỹ thuật chính gồm:

  • Liệu pháp ký ức (reminiscene therapy);
  • Liệu pháp định hướng thực tế (reality orientation therapy);
  • Liệu pháp ngôn ngữ;
  • Liệu pháp tâm lý nhận thức (validation therapy);

Kích thích hoạt động thể lực

Thông qua các bài tập được thiết kế riêng dành cho bệnh nhân Alzheimer giúp:

  • Nâng cao sức bền;
  • Khả năng giữ thăng bằng;
  • Các bài tập kéo giãn cơ;

Kích thích cảm giác

Nhằm mục đích cải thiện các giác quan cảm nhận âm thanh, màu sắc, xúc cảm, ánh sáng giúp người bệnh Alzheimer tập làm quen với các tư duy đơn giản, điều chỉnh dần các rối loạn hành vi và làm chủ cảm xúc.

3. Kết hợp chăm sóc tích cực tại nhà

Bệnh nhân Alzheimer cần được chăm sóc tích cực bằng các biện pháp để cải thiện bệnh hiệu quả:

Người thân cần tạo môi trường sống thoải mái và hạn chế tối đa các kích thích gây căng thẳng thần kinh đến người bệnh

  • Người thân cần tạo môi trường sống thoải mái cho bệnh nhân, đừng cố gắng thay đổi không gian sống của họ.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe thể chất và trạng thái tâm lý của bệnh nhân hàng ngày.
  • Hạn chế những hành vi, lời nói hoặc các yếu tố gây kích thích tâm lý khiến người bệnh Alzheimer căng thẳng.
  • Chuẩn bị những vật dụng phù hợp dựa theo yêu cầu của người bệnh để họ cảm thấy thoải mái và loại bỏ những đồ vật có khả năng gây sát thương.
  • Người thân nên dành nhiều thời gian để trò chuyện, động viên và an ủi người bệnh.
  • Cho bệnh nhân ăn uống dinh dưỡng, có thể chia nhỏ các bữa ăn hoặc nghiền nát, xay nhuyễn đối với bệnh nhân Alzheimer mất chức năng nhai nuốt thức ăn.
  • Tuyệt đối không được bỏ đói hoặc trói bệnh nhân lại để tránh gây kích thích thần kinh khiến bệnh nặng hơn và gây tổn thương cho người bệnh.

Phòng ngừa

Ngoại trừ yếu tố di truyền và một số yếu tố rủi ro không thể thay đổi như tuổi tác, lão hóa, tất cả những tác nhân gây Alzheimer còn lại đều có thể dự phòng được thông qua các biện pháp sau:

Lối sống khoa học và lành mạnh, sử dụng trí não linh hoạt hàng ngày là phương pháp phòng ngừa bệnh Alzheimer hiệu quả

  • Duy trì thói quen chơi những môn thiên về trí tuệ như chơi cờ, nhạc cụ, giải đố, đọc sách... Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy việc rèn luyện trí óc thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
  • Tích ực tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu, trao đổi và trò chuyện cởi mở với người thân, bạn bè.
  • Tập thể dục thể thao hàng ngày giúp hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu mang oxy lên não, duy trì sự khỏe mạnh và chức năng của các tế bào não.
  • Đội mũ bảo hiểm và tham gia giao thông an toàn để hạn chế các chấn thương vùng đầu.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với tuổi tác, ưu tiên chế độ ăn lành mạnh giàu chất chống oxy hóa, nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc và chỉ sử dụng nguồn chất béo lành mạnh. Hạn chế hoặc tránh sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn và các loại thực phẩm nhiều đường.
  • Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt đúng giờ giấc, có chu kỳ thức - ngủ chuẩn, đảm bảo ngủ 8 tiếng mỗi đêm không dùng thuốc.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị bệnh Alzheimer?

2. Bệnh Alzheimer có nguy hiểm không?

3. Tiên lượng điều trị bệnh trong trường hợp của tôi? Thời gian sống còn bao lâu?

4. Bệnh Alzheimer có di truyền không?

5. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán Alzheimer?

6. Tôi nên điều trị Alzheimer bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Chế độ chăm sóc bệnh nhân Alzheimer cần đảm bảo những yếu tố nào?

8. Bệnh Alzheimer có điều trị khỏi dứt điểm được không?

9. Có cần đưa bệnh nhân Alzheimer đến trung tâm điều trị không?

10. Có cần tái khám thường xuyên trong quá trình điều trị Alzheimer không? Khi nào?

Bệnh Alzheimer khiến người lớn tuổi bị suy giảm trí nhớ và nhiều rối loạn khác về hành vi, ngôn ngữ... Điều trị Alzheimer đòi hỏi quá trình dài và phức tạp, cần có sự phối hợp giữa bệnh nhân, người nhà và chuyên gia y tế. Điều trị Alzheimer sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho bệnh nhân.

Ngày đăng 13:43 - 07/04/2023 - Cập nhật lúc: 13:44 - 07/04/2023
Chia sẻ:
Bệnh Trầm cảm
Trầm cảm là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng và phổ biến trong xã hội hiện đại. Bất kỳ đối tượng nào cũng…
Hội cứng West
Hội chứng West là một loại động kinh hiếm gặp…
Bệnh Sốt co giật
Sốt co giật là những cơn co giật xảy ra…
Bệnh Uốn Ván
Uốn ván là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ…
Bệnh U nang màng nhện

U nang màng nhện là một trong những dạng u nang não phổ biến. Chúng thường khởi phát do bẩm…

Bệnh Đau Dây Thần Kinh Sinh Ba

Đau dây thần kinh sinh ba là một trong những rối loạn chức năng dây số V, đặc trưng bởi…

Bệnh Xuất huyết não

Xuất huyết não là tai biến mạch máu não nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh nhân thường…

Bệnh Áp Xe Não

Áp xe não là tình trạng tích tụ mủ trong các mô và khoang não do nhiễm trùng khu trú…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua