Barrett thực quản là gì? Hình ảnh, dấu hiệu và cách điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Barrett thực quản xảy ra khi các mô lót trong cơ quan này biến đổi và thay đổi cấu trúc bất thường. Bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với hội chứng trào ngược dạ dày (GERD) mãn tính và có thể tiến triển thành ung thư nếu không được điều trị kịp thời.

barrett thực quản là bệnh gì
Barrett thực quản là gì? Hình ảnh, dấu hiệu và cách điều trị

Barrett thực quản là gì?

Barrett thực quản là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng niêm mạc ở thực quản bị loạn sản và biến đổi bất thường, trở thành cấu trúc tương tự như niêm mạc ruột.

Trong trường hợp để kéo dài, tình trạng loạn sản mô thực quản có thể ảnh hưởng đến các tế bào lót và tăng nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản.

Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết Barrett thực quản

Bệnh Barrett thực quản thường không gây ra triệu chứng bất thường. Các triệu chứng cơ năng phát sinh thường là do hội chứng trào ngược axit dạ dày gây ra, bao gồm:

  • Ợ nóng
  • Ợ chua
  • Khó nuốt khi ăn uống
  • Đau ngực
  • Phân đen
  • Nôn ra máu hoặc dịch có màu bã cà phê

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều không có triệu chứng đặc trưng. Vì vậy Barrett thực quản chỉ được phát hiện khi tình cờ thăm khám các bệnh lý khác.

Barrett thực quản hình thành do đâu?

Hiện tại các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây ra Barrett thực quản. Tuy nhiên bệnh lý này được xác định có mối liên hệ với hội chứng trào ngược dạ dày mãn tính.

Hiện tượng axit trào ngược lên thực quản trong thời gian dài có thể khiến niêm mạc ở cơ quan này bị tổn thương và hư hại. Theo thời gian, lớp mô trên cùng của thực quản có thể biến đổi và trở thành cấu trúc bất thường.

dấu hiệu barrett thực quản
Barrett thực quản có liên quan mật thiết đến tình trạng trào ngược axit dạ dày mãn tính

Tuy nhiên ở một số trường hợp Barrett thực quản không có tiền sử mắc bệnh GERD, bác sĩ thường không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Mặc dù không thể tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây loạn sản mô thực quản, tuy nhiên các bác sĩ cho rằng bệnh lý có xu hướng gặp ở các đối tượng sau:

  • Người bị trào ngược axit dạ dày hoặc ợ nóng mãn tính
  • Nam giới
  • Người thừa cân béo phì
  • Tuổi tác cao
  • Có thói quen hút thuốc lá trong thời gian dài

Một số hình ảnh của bệnh Barrett thực quản

barrett thực quản là gì
Khi mắc bệnh Barrett thực quản, niêm mạc của cơ quan này thường có dấu hiệu đỏ hơn bình thường
hình ảnh barrett thực quản
Hình ảnh của tế bào loạn sản ở bệnh nhân Barrett thực quản

Biến chứng của bệnh Barrett thực quản

Barrett thực quản không gây ra triệu chứng cơ năng. Tuy nhiên người mắc bệnh lý này có nguy cơ tiến triển thành ung thư thực quản cao hơn người bình thường.

Vì vậy nếu nghi ngờ mắc phải bệnh lý này, bạn nên thăm khám thường xuyên để bác sĩ kịp thời phát hiện tế bào tiền ung thư và tiến hành các biện pháp điều trị.

Bệnh Barrett thực quản được chẩn đoán bằng cách nào?

Phương pháp chẩn đoán chính đối với bệnh Barrett thực quản là nội soi ống tiêu hóa trên. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi xuống cổ họng nhằm kiểm tra biểu hiện của niêm mạc thực quản. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sinh thiết mô từ thực quản nhằm xác định mức độ loạn sản của tế bào.

Sau khi tiến hành xét nghiệm và kiểm tra tế bào ở thực quản, bác sĩ có thể phân loại mức độ loạn sản của tế bào:

  • Không có dấu hiệu loạn sản: Các tế bào có thay đổi về cấu trúc nhưng không có dấu hiệu tiền ung thư.
  • Loạn sản cấp độ thấp: Một số tế bào thực quản bị biến đổi và trở thành tế bào tiền ung thư nhỏ.
  • Loạn sản cấp độ cao: Các tế bào thực quản biến đổi nghiêm trọng và có nguy cơ tiến triển thành tế bào ung thư.

Với những người mắc hội chứng GERD, bạn có thể tiến hành sàng lọc Barrett thực quản nhằm phát hiện bệnh và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Các phương pháp điều trị Barrett thực quản

Phương pháp điều trị Barrett thực quản tùy thuộc vào mức độ loạn sản của các tế bào. Ngoài ra bác sĩ còn có thể căn cứ vào điều kiện sức khỏe, độ tuổi và khả năng đáp ứng trước khi chỉ định biện pháp điều trị thích hợp.

1. Tế bào thực quản không loạn sản

Với những trường hợp tế bào không bị loạn sản, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi chặt chẽ và điều trị GERD nhằm ngăn chặn tế bào tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.

chữa barrett thực quản
Với trường hợp tế bào chưa loạn sản, bác sĩ có thể chỉ định thuốc và theo dõi chặt chẽ trong vòng 12 tháng
  • Nội soi và sinh thiết thực quản: Nội soi được thực hiện đều đặn nhằm phát hiện cấu trúc bất thường và mức độ tiến triển của tế bào. Nếu sau 1 năm tế bào không có thay đổi, bác sĩ có thể đề nghị bạn nội soi và sinh thiết thực quản 3 năm/ lần để dự phòng các trường hợp rủi ro.
  • Điều trị GERD: Hoạt động trào ngược axit dạ dày lên thực quản là nguyên nhân khiến niêm mạc thực quản có xu hướng biến đổi. Vì vậy bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sử dụng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh để làm giảm triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp không có đáp ứng, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật nhằm cải thiện chức năng của cơ thắt thực quản.

Hầu hết các trường hợp Barrett thực quản không có loạn sản đều có tiên lượng tốt. Nếu tích cực trong việc theo dõi và điều trị, tế bào ở thực quản thường có xu hướng ổn định trở lại.

2. Tế bào thực quản loạn sản cấp độ thấp

Với người bị Barrett thực quản có cấp độ loạn sản thấp, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp các biện pháp sau:

  • Nội soi thực quản: Phương pháp này được thực hiện nhằm cắt bỏ các tế bào loạn sản.
  • Cắt bỏ niêm mạc bằng sóng cao tần (RFA): Thủ thuật này sử dụng sóng vô tuyến nhằm phá hủy và loại bỏ các tế bào bất thường ở thực quản. RFA thường được thực hiện sau khi nội soi thực quản nhằm loại bỏ hoàn toàn các tế bào có nguy cơ biến đổi thành tế bào ung thư.

Với những người bị Barrett thực quản kèm theo tình trạng viêm thực quản, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc kháng axit dạ dày (thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng thụ thể H2,…) trong 3 – 4 tháng trước khi tiến hành nội soi. Sau khi can thiệp điều trị, bệnh nhân có tế bào thực quản loạn sản cấp độ thấp cần được theo dõi liên tục trong vòng 12 tháng.

3. Tế bào thực quản loạn sản cấp độ cao

Loạn sản mức độ cao là dấu hiệu tiền ung thư thực quản. Vì vậy ở trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các phương pháp điều trị trong thời gian sớm nhất.

điều trị barrett thực quản
Với trường hợp tế bào loạn sản cấp độ cao, bạn buộc phải can thiệp các phương pháp ngoại khoa
  • Liệu pháp áp lạnh: Liệu pháp này được thực hiện nhờ vào sự hỗ trợ của máy nội soi nhằm đưa nito lỏng vào thực quản. Liệu pháp áp lạnh có tác dụng loại bỏ các tế bào bất thường và ngăn chặn quá trình biến đổi thành tế bào ung thư.
  • Liệu pháp quang động: Liệu pháp này sử dụng ánh sáng để tiêu diệt các tế bào tiền ung thư.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện nhằm cắt bỏ phần thực quản bị tổn thương. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện khi phạm vi tổn thương lớn và không có đáp ứng với các thủ thuật ngoại khoa khác.

Phòng ngừa bệnh Barrett thực quản

Bệnh Barrett thực quản được cho là có mối quan hệ mật thiết với chứng trào ngược axit dạ dày. Tuy nhiên không phải các trường hợp mắc chứng bệnh này đều tiến triển thành Barrett thực quản.

triệu chứng barrett thực quản
Xây dựng chế độ ăn khoa học và tích cực điều trị GERD có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản

Vì vậy để làm giảm nguy cơ loạn sản mô ở thực quản, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tích cực trong việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
  • Khi mắc bệnh GERD, cần tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc tiến hành thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần.
  • Tuyệt đối không sử dụng rượu bia và hút thuốc lá.
  • Uống nhiều nước và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học.
  • Hạn chế thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc và căng thẳng.
  • Kiểm soát cân nặng và tránh tình trạng thừa cân – béo phì.
  • Chia nhỏ bữa ăn và hạn chế nằm ngay sau khi ăn.
  • Tập luyện điều độ có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Nên nằm ngủ với gối cao để hạn chế tình trạng dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản và vòm họng.

Barrett thực quản là bệnh lý nguy hiểm nhưng không có triệu chứng điển hình. Vì vậy nếu mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên tiến hành thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần và tích cực trong quá trình điều trị để dự phòng các biến chứng nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm: Chữa trào ngược dạ dày bằng thuốc nam – 7 cây này tốt nhất

Thông tin hữu ích

Ngày đăng 14:07 - 13/06/2022 - Cập nhật lúc: 11:15 - 07/02/2023
Chia sẻ:
Cảnh giác “biến chứng trào ngược dạ dày thực quản”
Các biến chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, gây viêm thực quản, khàn giọng và tăng nguy cơ bị…
Trào ngược dạ dày nằm nghiêng bên nào? Trào Ngược Dạ Dày Nằm Nghiêng Bên Nào Thoải Mái, Ít Bị?

Trào ngược dạ dày nằm nghiêng bên nào để tạo cảm giác dễ chịu và không làm tái phát triệu…

Co thắt thực quản – Nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất

Co thắt thực quản là sự co bóp đột ngột, bất thường của ống dẫn thức ăn (thực quản). Tình…

Loét thực quản – Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Loét thực quản là tình trạng thực quản bị viêm loét và mất đi khả năng tự vệ vốn có.…

Trào ngược dạ dày nên ăn rau gì để bệnh thuyên giảm

Một số loại rau chúng ta thường sử dụng trong bữa ăn hàng ngày có thể giúp cải thiện các…

Thực quản là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo & thông tin cần biết

Thực quản là phần đầu tiên của hệ thống tiêu hóa chịu trách nhiệm đưa thức ăn xuống dạ dày.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua