Áp Xe Quanh Chóp Răng: Các Biểu Hiện và Hướng Điều Trị

Áp xe quanh chóp răng là một dạng nhiễm trùng răng tương đối phổ biến. Bệnh đặc trưng bởi những cơn đau nhức khó chịu và những hệ lụy về khả năng ăn nhai, giao tiếp và thậm chí gây ra các rủi ro về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Vậy làm thế nào để nhận biết bệnh ngay từ sớm và hướng điều trị ra sao? 

Áp xe quanh chóp răng
Áp xe quanh chóp răng là một dạng nhiễm trùng răng tương đối nguy hiểm

Áp xe quanh chóp răng là bệnh gì?

Áp xe quanh chóp răng (periapical abscess) là một trong những dạng áp xe răng thường gặp nhất. Tình trạng áp xe này thường xuất phát do tình trạng nhiễm trùng bên trong răng, hay nói chính xác là từ bên trong buồng tủy. Đây là bộ phận tập trung các mạch máu, dây thần kinh hay còn gọi là tủy răng đảm nhiệm vai trò nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác kích thích từ bên ngoài đến thân răng, giúp bạn cảm nhận được những cảm giác như nóng, lạnh, đau nhức, ê buốt… 

Bị áp xe quanh chóp răng là khi bên trong buồng tủy xuất hiện các ổ vi khuẩn, theo thời gian chúng ngày càng sinh sôi, phát triển và lan rộng ra bên ngoài chóp chân răng, theo đó ăn sâu vào xương và xâm nhập đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Lúc này tại vị trí bị áp xe xuất hiện túi dịch mủ, chúng được tạo thành bởi các tế bào bạch cầu đã chết, xác vi khuẩn đã bị tiêu diệt và mảnh vụn mô. 

Khác với áp xe nha chu (periodontal abscess) hay áp xe nướu răng (gum abscess) bắt đầu từ bên trong túi nướu nằm ngoài răng, áp xe quanh chóp răng bắt nguồn do nhiễm trùng tủy răng trước, sau đó ổ viêm bắt đầu thoát ra khỏi răng và nằm tại chóp răng. 

Các biểu hiện thường gặp khi bị áp xe quanh chóp răng

So với các bệnh về răng miệng thông thường, áp xe quanh chóp răng thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Có thể kể đến như:

Áp xe quanh chóp răng
Đau răng, sưng nướu, răng lung lay, xỉn màu, sưng hàm, hôi miệng… là những triệu chứng đặc trưng của áp xe quanh chóp răng
  • Đau răng: Hầu hết các trường hợp bị áp xe quanh chóp răng đều gây ra những cơn đau nhức khó chịu, nhất là khi người bệnh nhai, cắn thức ăn hay tiếp xúc với nhiệt độ. Tuy nhiên, một số ít trường hợp lại không bị đau nhức do tủy răng đã chết không còn cảm nhận được những kích thích, áp lực tác động đến răng. 
  • Răng lung lay: Tùy theo mức độ nhiễm trùng nhiều hay ít mà răng lung lay từ độ 1 đến độ 4 (theo chẩn đoán của bác sĩ). 
  • Răng ngả màu: Vị trí răng bị áp xe lâu ngày sẽ dần chuyển sang màu tối hơn so với những chiếc răng bình thường xung quanh. Nguyên nhân là do vi khuẩn từ trong tủy răng ăn sâu vào trong lớp răng xốp gây nhiễm trùng dẫn đến chuyển màu. 
  • Sưng nướu răng: Phần mô nướu tại vị trí răng áp xe bị phù nề do tích tụ một lượng dịch mủ lớn, sưng đỏ. Chúng có thể bị vỡ ra bất kỳ lúc nào khi bạn cố tình làm vỡ hoặc tự vỡ ra khi đánh răng, súc miệng. Tình trạng này khiến mức độ nhiễm trùng ngày càng nghiêm trọng hơn. 
  • Sưng hàm: Tình trạng sưng phồng hàm khiến gương mặt mất cân đối, cổ xuất hiện các hạch bạch huyết. Đây là những dấu hiệu báo động về nguy cơ nhiễm trùng đang gia tăng. 
  • Hôi miệng: Khoang miệng có mùi tanh khó chịu, nhất là khi vừa ngủ dậy, hơi thở ám mùi hôi dù bạn vừa đánh răng, súc miệng xong. 

Lưu ý, một số trường hợp áp xe quanh chóp răng trong trạng thái tủy răng đã chết thì người bệnh sẽ không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm vẫn đang diễn ra thầm lặng và ngày càng nặng, tăng nguy cơ biến chứng cũng như nhiều rủi ro khác cho sức khỏe. Vì vậy, dù có triệu chứng hay không người bệnh vẫn cần chủ động thăm khám và điều trị sớm. 

Nguyên nhân gây áp xe quanh chóp răng 

Theo các chuyên gia nha khoa, áp xe quanh chóp răng không chỉ nằm khu trú ở chân răng, nó còn phát triển tại nhiều vị trí khác như bên trong các mô mềm, trên vị trí trên hoặc dưới màng xương. Hầu hết các trường hợp áp xe quanh chóp răng đều bắt nguồn từ bệnh sâu răng, ngoài ra còn có viêm nha chu, viêm nướu răng… hoặc chấn thương, nứt, vỡ răng.

Ban đầu, vi khuẩn sẽ thông qua tình trạng nhiễm khuẩn sâu răng ban đầu hoặc các kẽ hở, lỗ rò nứt răng để phát triển và gây viêm trong ống tủy. Sau khi tình trạng viêm đã phát triển mạnh, ổ khuẩn sẽ vượt qua chóp răng để gây viêm nhiễm xung quanh chóp, từ đó lan rộng ra toàn bộ răng, hàm… 

Áp xe quanh chóp răng
Một số thủ thuật nha khoa như hàn, nạo, mài… răng không đúng cách có thể gây ra áp xe

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dưới đây cũng được xem là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị áp xe quanh chóp răng:

  • Vệ sinh răng miệng kém: Những người không tuân thủ thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên đều đặn và đúng cách sẽ có nguy cơ cao bị áp xe quanh chóp răng. 
  • Thói quen ăn uống không phù hợp: Những người thường xuyên sử dụng thức ăn cay, quá nóng, quá lạnh hay đồ uống có chất kích thích cũng dễ làm tổn hại đến men răng. Đồng thời tạo môi trường thích hợp để sâu răng phát triển và hình thành áp xe. 
  • Điều trị tủy thất bại: Quá trình điều trị tủy răng không đúng kỹ thuật như còn sót tủy, khoang tủy không được vệ sinh sạch sẽ… cũng khiến các ổ vi khuẩn phát triển lây lan và phát sinh nhiễm trùng ở chân răng. 
  • Tác động ngoại lực, chấn thương: Những chấn thương ngoại lực do nhai cắn thức ăn cứng, tai nạn… khiến răng bị tổn thương, nứt vỡ, sứt mẻ… vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Chúng tấn công vào trong tủy răng hình thành các túi áp xe quanh chóp răng. 
  • Suy yếu hệ miễn dịch: Những người có hệ miễn dịch suy yếu do lớn tuổi, mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường… sẽ có nguy cơ cao bị áp xe quanh chóp răng và nhiều vấn đề răng miệng khác. 
  • Do các thủ thuật nha khoa: Quá trình thực hiện một số thủ thuật nha khoa điều trị sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến áp xe quanh chóp răng. Chẳng hạn như:
    • Hàn răng, nạo ống tủy sai các khiến chất liệu hàn bị đẩy ra, ảnh hưởng đến các mô quanh chóp và gây viêm nhiễm. 
    • Mài răng để chụp mũ sứ không đúng kỹ thuật khiến ngà răng bị hút vào trong cùng với đó là tế bào bạch cầu, vi khuẩn vào sâu trong tủy, phát sinh nhiễm trùng. 
    • Nạo túi nha chu làm kích thích mô tủy khiến tủy răng tổn thương và hình thành áp xe. 

Biến chứng do áp xe quanh chóp răng 

Bản chất của áp xe quanh chóp răng là do nhiễm trùng từ bên trong tủy không thể tự khỏi. Nếu không được điều trị kịp thời đúng thời điểm và đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng khó lường. Theo ghi nhận trong y khoa, một số biến chứng áp xe quanh chóp răng thường gặp như:

Áp xe quanh chóp răng
Áp xe quanh chóp răng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời
  • Viêm mô tế bào răng: Đây là một trong những biến chứng khá nghiêm trọng khi bị áp xe quanh chóp răng. Biến chứng này thường xảy ra tại các vị trí mô mềm, sau đó lan dần xuống các cơ quan khác như dưới lưỡi, hàm… và gây viêm mô tế bào. 
  • Tắc nghẽn đường hô hấp: Tình trạng này thường xảy ra khi vi khuẩn từ trong túi mủ thoát ra và đi xuống đường hô hấp. Chúng phát triển và gây tắc nghẽn đường thở, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. 
  • Nhiễm trùng máu: Ổ vi khuẩn ngày càng phát triển, ăn sâu vào xương và hòa vào dòng máu gây ra nhiễm trùng huyết. Đây là một trong những biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân bị sốc, đột quỵ và thậm chí mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. 
  • Áp xe não: Đây là một trong những biến chứng khá hiếm gặp, xảy ra khi vi khuẩn từ vị trí răng bị áp xe xâm nhập vào máu, sau đó lên não gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy khả năng xảy ra thấp nhưng người bệnh không nên chủ quan. 
  • Một số biến chứng khác: chẳng hạn như nang do răng, nhiễm trùng xoang hàm, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng… 

Hướng điều trị áp xe quanh chóp răng hiệu quả

Áp xe quanh chóp răng không chỉ đơn thuần gây ra những cơn đau răng khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc tập trung điều trị bệnh bằng các biện pháp tích cực theo chỉ định của bác sĩ nha khoa ngay từ sớm là điều cần thiết. 

Sau khi trải qua các bước thăm khám, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ áp xe quanh chóp răng. Tùy theo tình trạng răng hiện tại của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị khắc phục phù hợp. Cụ thể như sau:

Cách giảm đau răng tạm thời

Để loại bỏ cơn đau răng tạm thời, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau chứa thành phần Paracetamol với liều dùng được chỉ định. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều thuốc, thậm chí lạm dụng nó sẽ khiến bạn lệ thuộc vào thuốc, lâu ngày dẫn đến nhờn thuốc và nhiều tác dụng phụ khác tổn hại đến sức khỏe.

Áp xe quanh chóp răng
Chườm đá lạnh giúp giảm đau răng và sưng viêm hiệu quả tức thì

Do đó, bạn có thể thay thế bằng một số cách giảm đau răng tại nhà hiệu quả và an toàn như sau:

  • Chườm nước đá lạnh: Đây là mẹo giảm đau răng đơn giản nhất được nhiều người áp dụng. Nhiệt độ lạnh sẽ giúp ức chế khả năng cảm thụ cơn đau và ngăn lượng máu đến khu vực này, từ đó xoa dịu tình trạng sưng viêm do áp xe quanh chóp răng.
  • Súc miệng nước muối: Nước muối pha loãng có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn và loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám tích tụ trên kẽ răng. Đồng thời, súc miệng bằng nước muối thường xuyên còn giúp giảm cơn đau răng đáng kể. 
  • Dùng tỏi: Tỏi tươi chứa hoạt chất allicin giúp diệt khuẩn tốt, giảm đau nhức răng cùng nhiều triệu chứng áp xe khác. 
  • Dùng tinh dầu: Một trong những cách trị áp xe tại nhà được nhiều người áp dụng là sử dụng tinh dầu. Một số loại tinh dầu như tràm trà, đinh hương, hoa oải hương… có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn tự nhiên, đem lại kết quả giảm đau, giảm sưng viêm nướu, răng hiệu quả. 

Lưu ý: Những cách này chỉ đem lại hiệu quả tạm thời, không có tác dụng điều trị triệt để, dứt điểm. Vì vậy người bệnh không nên thay thế hoàn toàn cho các biện pháp y tế chuyên sâu. 

Điều trị bệnh thể nhẹ 

Những trường hợp bị áp xe quanh chóp răng thể nhẹ, các triệu chứng vừa khởi phát thì việc điều trị tương đối đơn giản. Ngoài áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà như súc miệng nước muối hàng ngày, đắp gạc… để giảm sưng đau răng, người bệnh cũng sẽ được chỉ định sử dụng thuốc trị áp xe răng (gồm thuốc uống + thuốc bôi) với liều lượng phù hợp nhằm kiểm soát các triệu chứng và ức chế viêm nhiễm lây lan. Sau đó, kết hợp với các biện pháp phục hồi và chăm sóc phòng ngừa để khỏi bệnh dứt điểm cũng như không tái phát trở lại. 

Điều trị bệnh thể nặng

Với những tổn thương áp xe quanh chóp răng nghiêm trọng, khối áp xe tích tụ nhiều dịch mủ, xuất hiện các biến chứng nhiễm trùng liên quan… cần được can thiệp điều trị y tế chuyên sâu. Nguyên tắc chung là loại bỏ ổ nhiễm trùng, điều trị dứt điểm nguyên nhân và bảo tồn răng, ngăn chặn tiến triển biến chứng. 

Điều trị cấp

Thực hiện thủ thuật chích rạch dẫn lưu mủ tại khối áp xe. Sau đó điều trị bằng kháng sinh đồ (thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc giảm đau), kết hợp tăng cường miễn dịch, nâng cao thể trạng. 

Áp xe quanh chóp răng
Dùng thuốc theo phác đồ giúp kiểm soát các triệu chứng đau nhức, sưng viêm và ức chế nhiễm trùng lan rộng

Đối với trẻ em

Thuốc kháng sinh

– Amoxicilline 250mg (viên nang hoặc gói) hoặc dạng viên nang 500mg

  • Trẻ em trên 12 tuổi dùng liều người lớn 500mg, cách 8 tiếng dùng 1 lần. 
  • Trẻ dưới 10 tuổi dùng 125 – 250mg, dùng cách 8 tiếng 1 lần. 
  • Trẻ dưới 20kg dùng 20 – 40mg/ kg cân nặng/ ngày. 

– Metronidazole 250mg: Khoảng 20 – 30kg/ ngày, chia làm 4 lần dùng. 

Thuốc kháng viêm

  • Dexamethazone 0.5mg: Dùng 0.024 – 0.34mg/ kg/ ngày, chia làm 4 lần sử dụng. 
  • Lysozym 90mg: dùng cho trẻ trên 30 tháng tuổi, liều 4.5mg/ kg/ ngày, chia làm 3 lần sử dụng. 
  • Prednisone 5mg: trẻ dùng 0.14 – 2mg/ kg/ ngày, chia làm 4 liều dùng. 

Thuốc giảm đau

Dùng Paracetamol hàm lượng 500mg, 325mg, 250mg, 125mg dạng gói:

  • Trẻ từ 1 – 2 tuổi dùng 120mg, cách 4 – 6 tiếng dùng 1 lần. 
  • Trẻ từ 2 – 3 tuổi dùng 160mg, cách 4 – 6 tiếng dùng 1 lần.
  • Trẻ từ 4 – 5 tuổi dùng 240mg, cách 4 – 6 tiếng dùng 1 lần.
  • Trẻ từ 6 – 8 tuổi dùng 320mg, cách 4 – 6 tiếng dùng 1 lần.
  • Trẻ từ 9 – 10 tuổi dùng 400mg, cách 4 – 6 tiếng dùng 1 lần.
  • Trẻ từ 10 – 11 tuổi dùng 480mg, cách 4 – 6 tiếng dùng 1 lần.
  • Trẻ trên 12 tuổi dùng giống liều lượng người lớn 500mg, cách 4 – 6 tiếng dùng 1 lần.

Đối với trẻ em, phác đồ dùng thuốc thường kéo dài tối đa từ 5 – 7 ngày. 

Đối với người lớn

Thuốc kháng sinh

  • Amoxicilline 500mg + Acid Clavulanic 125mg: dùng 1 viên/ lần x 3 lần/ ngày. 
  • Spiramycin 750000IU + Metronidazole 125mg: dùng 2 viên/ lần x 3 lần/ ngày. 

Thuốc kháng viêm

  • Dexamethasone 0.5mg: dùng 1 viên x 3 lần/ ngày. 
  • Prednisone 5mg: dùng 1 viên x 3 lần/ ngày. 
  • Lysozyme 90mg: dùng 1 viên x 3 lần/ ngày. 
  • Methylprednisolone 16mg: dùng 1 viên x 3 lần/ ngày. 

Thuốc giảm đau: Dùng Paracetamol 500mg liều 1 viên x 3 – 4 lần/ ngày. 

Thuốc kháng viêm + giảm đau: Paracetamol 325mg + Ibuprofen 200mg liều 1 viên x 3 lần/ ngày. 

Lưu ý thời gian dùng thuốc tối đa từ 5 – 7 . 

Điều trị tiếp theo

Khi triệu chứng đã được kiểm soát, tiến hành điều trị loại bỏ nguyên nhân gây áp xe quanh chóp răng. Chẳng hạn như điều trị tủy, lấy cao răng, xử lý khắc phục gốc răng, xử lý các mảnh răng vỡ… với các thủ thuật như chữa tủy, hàn trám răng, phục hình răng mất, điều chỉnh răng mọc lệch lạc, bọc mão răng, bọc sứ… nhằm bảo tồn răng. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể giữ răng lại bắt buộc phải nhổ bỏ răng để ngăn chặn nhiễm trùng lây lan. 

Áp xe quanh chóp răng
Chữa tủy, nhổ răng, bọc sứ… là những biện pháp điều trị dứt điểm nguyên nhân gây áp xe quanh chóp răng

Lưu ý:

  • Việc điều trị áp xe quanh chóp răng phải được thực hiện ở những cơ sở, bệnh viện nha khoa uy tín. Trước khi điều trị bệnh nhân phải được thăm khám, chẩn đoán và chụp X quang đầy đủ để điều trị đúng bệnh.
  • Về phía người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, đặc biệt khi dùng kháng sinh. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà dưới bất kỳ hình thức nào vì không chỉ khiến viêm nhiễm lan rộng mà còn tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm khác. 
  • Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc, mắc các bệnh về máu, bệnh tim mạch…, đặc biệt là trẻ em cần trao đổi kỹ hơn về việc dùng thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến bệnh. 

Biện pháp phòng ngừa áp xe quanh chóp răng 

Bên cạnh áp dụng các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh áp xe quanh chóp răng cũng cần chủ động chăm sóc răng miệng nhằm hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát dài lâu.

Áp xe quanh chóp răng
Thói quen dùng chỉ nha khoa thường xuyên để loại bỏ mảng bám thức ăn làm hạn chế nguy cơ bị áp xe quanh chóp răng
  • Định kỳ lấy cao răng 6 tháng/ lần và thăm khám kiểm tra răng tối thiểu 2 năm/ lần để tầm soát các vấn đề về sức khỏe răng miệng cũng như có hướng điều trị kịp thời. 
  • Chải răng đều đặn mỗi ngày, chải đúng kỹ thuật, đặc biệt chải kỹ những răng nằm sâu trong hàm vì những răng này dễ bị viêm nhiễm. 
  • Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám thức ăn kẹt trong kẽ răng và súc miệng thường xuyên hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn. 
  • Phục hồi những tổn thương trên răng bằng các kỹ thuật hàn trám, phục hình các răng đã mất hoặc điều chỉnh vị trí các răng lệch lạc… 
  • Ăn uống khoa học, lành mạnh, hạn chế sử dụng thực phẩm cay, nóng, lạnh, bánh kẹo ngọt, cà phê, rượu bia, thuốc lá… Vì đây đều là những nguyên nhân gây tàn phá men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. 
  • Thay vào đó nên bổ sung nhiều nước để tránh khô miệng, tăng cường rau xanh, trái cây giàu vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. 

Áp xe quanh chóp răng là bệnh lý nha khoa tương đối nghiêm trọng và cần được điều trị theo phác đồ để tránh những rủi ro khôn lường của bệnh. Vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, phối hợp với bác sĩ để điều trị bệnh theo hướng phù hợp và tích cực, ngăn ngừa biến chứng về sau. 

Có thể bạn quan tâm

DỊCH VỤ NHA KHOA HOT

Ngày đăng 12:15 - 18/05/2023 - Cập nhật lúc: 13:25 - 19/05/2023
Chia sẻ:
Vỡ Áp Xe Răng: Biểu Hiện và Các Phương Pháp Chữa Trị Vỡ Áp Xe Răng: Biểu Hiện và Các Phương Pháp Chữa Trị

Vỡ áp xe răng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm,…

Áp xe quanh chóp răng Áp Xe Quanh Chóp Răng: Các Biểu Hiện và Hướng Điều Trị

Áp xe quanh chóp răng là một dạng nhiễm trùng răng tương đối phổ biến. Bệnh đặc trưng bởi những…

Áp Xe Răng Kiêng Ăn Gì và Nên Ăn Gì Tránh Gây Cơn Đau? Áp Xe Răng Kiêng Ăn Gì và Nên Ăn Gì Tránh Gây Cơn Đau?

Chế độ ăn uống đóng vai trò không nhỏ trong điều trị áp xe răng. Do đó, câu hỏi “Áp…

Áp Xe Răng Sữa Có Nên Nhổ Răng Không? Nha Sĩ Chia Sẻ Áp Xe Răng Sữa Có Nên Nhổ Răng Không? Nha Sĩ Chia Sẻ

Áp xe răng sữa có nên nhổ răng không? được nhiều ba mẹ quan tâm. Bởi đây là bệnh lý…

Áp xe răng khôn Áp Xe Răng Khôn (Răng Số 8) Nguy Hiểm Không? [Giải Đáp]

Áp xe răng khôn (răng số 8) là một dạng nhiễm trùng răng khá phổ biến, xảy ra khi xung…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua